Truyền hình thực tế Việt lép vế - vì sao?

Từ CT Vượt lên chính mình (VLCM), vài năm trở lại đây, khán giả đã quen với thể loại THTT hỗ trợ vốn cho các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân đạo, mô hình kiểu VLCM được nhân rộng thành nhiều CT khác như Lục lạc vàng, Mong đợi một ngày vui. Có những CT chỉ đơn giản là tìm hiểu cuộc sống của người tham gia để tặng nhà, tặng tiền như Ngôi nhà mơ ước, Câu chuyện ước mơ. Gần đây, THTT Việt còn có thêm nhiều câu chuyện về đề tài khác như Sống khác, Sống xanh, Ước mơ VN, Tiếu lâm bách nghệ…

Tuy không hấp dẫn bằng các CT THTT giải trí, nhưng sự lan tỏa sâu rộng của các CT trên đến cộng đồng đã tạo nên một sức hút đáng kể với công chúng. Thông qua CT, người xem cùng trải nghiệm, đồng hành, chia sẻ nỗi đau với người trong cuộc bằng những đóng góp thiết thực. Tuy nhiên, sau một thời gian, khán giả cứ ít dần. So với các CT giải trí, sự “lọt thỏm” của THTT Việt trong hàng loạt CT khác hiện nay là một thực tế đáng buồn.

Mong đợi một ngày vui khá cảm động nhưng vẫn na ná như các chương trình truyền hình thực tế xã hội khác

Căn bệnh trầm kha của người làm truyền hình Việt là “ăn theo”, các CT THTT xã hội cũng không thoát khỏi “bệnh” chung này, CT sau cứ đi theo những CT thành công trước. Không khó để khán giả nhận ra sự na ná nhau giữa VLCM và Mong đợi một ngày vui, giữa Câu chuyện ước mơ và Ước mơ VN, đặc biệt là “anh em sinh đôi” giữa VLCM phát sóng trên HTV7 và VLCM phát sóng trên THVL1. Các CT trên đều có công thức chung là nhân vật nghèo khổ + câu chuyện thực tế cảm động = tiền hỗ trợ.

Sẽ rất khập khiễng nếu so sánh giữa hai phiên bản VN và nước ngoài khi một bên mang tính xã hội, còn một bên là giải trí, nhưng để có được lượng khán giả đông đảo ở Giọng hát Việt (The Voice), Thần tượng VN (Vietnam Idol), Người mẫu VN (Vietnam’s next top model)… Ban tổ chức các CT trên phải bỏ tiền ra để quảng bá rộng rãi. Riêng chi phí quảng cáo đã chiếm một khoản không nhỏ trong tổng số tiền đầu tư vào CT. Về điểm này, THTT Việt thua xa. Lên sóng từ nửa năm nay, nội dung hấp dẫn với sự dẫn dắt vui nhộn của danh hài Hoài Linh nhưng Tiếu lâm bách nghệ (phát sóng lúc 22g thứ Bảy hàng tuần trên HTV7) vẫn là CT còn lạ lẫm với nhiều người. Nói về điều này, Hoài Linh thừa nhận, chính anh cũng không biết phải quảng bá ra sao để công chúng biết. Công ty Đại Cồ Việt do anh thành lập thực hiện CT vì thấy format này hay, có ý nghĩa. Tương tự, những câu chuyện trong Ước mơ VN (phát sóng lúc 20g30 thứ Năm, Sáu hàng tuần trên VTV) khá cảm động nhưng vẫn không nhiều người theo dõi vì quá ít thông tin. Thiếu quảng bá, CT có hay cũng ít ai biết.

Có ý tưởng nhưng không biết cách phát triển bằng kế hoạch lâu dài, đi vào lối mòn của chính mình, các chi tiết cứ thường xuyên lặp lại, THTT Việt dễ rơi vào cảnh copy ý tưởng lẫn nhau. Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Lasta, đơn vị sản xuất VLCM, Lục lạc vàng cho biết: “Mỗi năm, CT chỉ có thể cải tiến thêm vài điều nho nhỏ nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên, bởi sáng tạo cho một format đã định hình bao giờ cũng có giới hạn. Các CTTHTT xã hội hiện nay đa phần giống nhau vì suy cho cùng, sức sáng tạo của chúng ta còn hạn chế, những người được đào tạo bài bản để viết format truyền hình còn quá ít, dẫn đến việc các CT VN sản xuất cứ copy nhau”.

Và vì thế, cho dù ra đời nhiều format, THTT Việt vẫn phải xếp hàng sau các phiên bản nước ngoài đang làm mưa làm gió tại VN.

Thanh Phúc


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét