Lưu Thiên Hương: "Xì-căng-đan vô tình hay cố ý đều gây bất lợi!"

Khó tính nhưng không bảo thủ!

*Phóng viên: Với tư cách là cố vấn, Lưu Thiên Hương nhận xét thế nào về các thí sinh của Vietnam Idol năm nay?

Lưu Thiên Hương: - Gần đây, trên truyền hình có nhiều chương trình thi hát mua bản quyền từ nước ngoài, tôi cảm nhận chương trình nào cũng chỉ nổi bật được vài mùa đầu tiên. Điều đó cũng đúng thôi vì càng nhiều chương trình, lượng thí sinh sẽ phải san sẻ. Việt Nam nhỏ bé và nền âm nhạc chưa phát triển như các nước khác nên nếu không tập trung, khó tìm được nhân tài.


Th iên Hương cho rằng thí sinh Vietnam Idol năm nay không đều về chất lượng

Thí sinh Vietnam Idol năm nay không đồng đều về chất lượng. Tôi thích sự đồng đều để tạo căng thẳng và hồi hộp cho khán giả.

*Chị cảm thấy thế nào khi các thí sinh Vietnam Idol thể hiện những tác phẩm âm nhạc của mình , do mình tư vấn mà bị giám khảo chê?

- Nghe thí sinh hát với cả niềm đam mê và cố gắng, tôi thực sự xúc động. Tôi không màng đến chuyện kĩ thuật, phô chênh hay sai sót của các em dù vô cùng khó tính trong âm nhạc. Tôi chỉ thấy các em hát hết mình với những ca khúc của tôi và anh Đức Trí, vì thế, dù giám khảo và khán giả có nhận xét về các em thế nào, chúng tôi vẫn muốn gửi tới các em cái nhìn thiện cảm của một người nhạc sĩ, xin được “bênh” các em nhiều hơn.

*Là một người rất kĩ tính trong âm nhạc, chị đặt tiêu chí thế nào cho các sáng tác của mình?

- Tôi khó tính nhưng không bảo thủ, thích cập nhật những cái mới nhưng cũng không bỏ sót những giá trị cũ. Tôi thích mình làm cái gì ra cái đó, viết chất nào ra chất đó, kĩ lưỡng về cả giai điệu và ca từ, phối khí. Tôi kĩ tính lắm, càng ngày càng kĩ tính, nhiều khi thấy mình chi tiết quá!

*Đã rất thành công với những ca khúc mang âm hưởng rock về đề tài xã hội, tình yêu…, chị có hướng sáng tác của mình đến những thể loại đa dạng hơn?

- Đêm nhạc Vietnam Idol vừa qua hoàn toàn là các ca khúc nhẹ nhàng mang phong cách pop. Mọi người thấy tôi yêu rock nên hay gán cho tôi là nhạc sĩ chuyên viết rock nhưng điểm lại lượng bài R&B, dance, pop trên thị trường âm nhạc của tôi còn nhiều hơn rock. Từ nhỏ, tôi thích mình luôn đổi mới. Cuộc sống tạo nên tính cách âm nhạc của tôi, tôi biết mình có thể làm được những gì trong âm nhạc, đó là làm cái gì ra cái đó.

Đoàn kết mới mong thay đổi!

*Trước sự cạnh tranh của các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài như Giọng hát Việt, Vietnam Idol…, có vẻ như “hàng nội” Tiếng hát Truyền hình đang “đuối” vì ít được chú ý?

- Các cuộc thi hát trên truyền hình chưa làm được một điều là nắm bắt hơi thở của cuộc sống hiện tại. Sau mỗi mùa thi, cách chọn thí sinh, cách chọn bài vở, cách hát cũng như bao năm trước thậm chí là không bằng. Một số cuộc thi càng vào sâu thì thí sinh được chọn lọc hầu hết là sai lầm.

Tôi cũng không hiểu nguyên do vì sao nhưng gần như người làm chương trình không còn quan tâm nhiều đến yếu tố “thí sinh là tài sản lớn nhất của chương trình”. Nếu không quan tâm đến yếu tố đó thì kể cả có là những chương trình truyền hình thực tế cũng chỉ được vài mùa đầu tiên mà thôi. Nghệ thuật có cái hay là anh yêu nó thật sự thì nó sẽ luôn tồn tại và đem lại cho anh nhiều thứ, nhưng nếu anh chỉ nghĩ đến nó như một công cụ để giúp anh đạt được những gì anh muốn thì anh sẽ có một đoạn đường đi rất ngắn với nó.


Nữ nhạc sĩ này cũng bày tỏ khi viết nhạc rất sợ mình bị cũ nên luôn lắng nghe quan sát xung quanh mình

*Những người chiến thắng cuộc thi Tiếng hát truyền hình thường không được biết đến nhiều như các thí sinh Idol, The Voice?

- Đó cũng là điều dễ hiểu bởi tiếng hát truyền hình đã có trước Vietnam Idol và The Voice từ rất lâu. Khi xuất hiện những đối thủ mạnh, muốn tồn tại thì ta phải chịu khó và tốn công sức hơn rất nhiều so với khi ta chỉ có một mình, một con đường đi. Nếu mình tìm hiểu thêm những điều mới khiến cả thế hệ cũ và mới đều hưởng ứng và cảm thấy có hơi thở của mình trong đó thì tôi tin là khán giả dù có tò mò vì cái mới nhưng vẫn muốn xem cái vốn đã quen thuộc với họ trong bao năm qua.

Bản thân tôi khi viết nhạc rất sợ mình bị cũ nên luôn lắng nghe, luôn quan sát xung quanh mình xem cuộc sống hiện tại thế nào. Tôi không quan tâm các thí sinh bước ra từ cuộc thi Tiếng hát Truyền hình hay The Voice. Tôi chỉ quan tâm đến ê kíp thực hiện bởi họ chính là người đưa ra tiêu chí của cuộc thi, hướng cuộc thi đi đến đâu. Nếu họ giỏi sẽ biết cách luôn tồn tại ở bất kì thời điểm nào. Nếu không bất kì phiên bản nào trên thế giới mang về cũng sẽ có một đoạn đường rất ngắn bởi sự xuất hiện của các phiên bản chương trình mới hơn.

*Là một tác giả có số lượng tác phẩm lớn, chị nghĩ thế nào về cuộc vận động “Nghe có ý thức” của nhạc sĩ Quốc Trung?

- Tôi thì đồng tình với khát vọng của các nhạc sĩ có trách nhiệm và có tâm với nghề nghiệp như anh Trung. Nhưng từ “có ý thức” thì hơi nặng nề quá đối với khán giả. Đấy là suy nghĩ của cá nhân tôi, có thể là nữ giới nên tôi nhạy cảm hơn nam giới. Nhưng nếu không có những sản phẩm “không có ý thức” thì khán giả có gì để mà nghe chứ. Cái này phải có một cuộc cách mạng rất lớn, các nhạc sĩ phải thật sự đoàn kết từ Nam ra Bắc mới mong thay đổi được. Nhưng giờ chúng tôi việc ai nấy làm, con đường của ai người đó cứ đi. Quan trọng là sản phẩm vẫn luôn đươc phát trên các kênh lớn của truyền hình, phát thanh, các phương tiện được khán thính giả quan tâm nhất, đứng đầu các bảng xếp hạng uy tín.

Vậy sự nỗ lực để có được “Nghe có ý thức” đâu phải ở khán giả, nhạc sĩ mà còn ở chính các phương tiện truyền thông. Luật bảo vệ bản quyền tác giả ở Việt Nam cũng đã có những bước tiến nhưng nhạc sĩ đâu có biết được bảo vệ như thế nào đâu, những nơi nào sử dụng ca khúc của mình, họ trả về trung tâm bảo vệ quyền tác giả thế nào.v.v… bởi nhạc sĩ Việt Nam chúng tôi chỉ biết bảo vệ thế nào biết thế đó thôi chứ cũng đâu có thời gian để ý và tìm hiểu hết xem đơn vị nào nhà mạng nào sử dụng bài của mình để kinh doanh.


Theo Thiên Hương phải đoàn kết, nỗ lực mới có thể đẩy mạnh cuộc vận động “Nghe có ý thức”

Đừng đánh đồng “chiêu” và “trò”

*Chị nhận định thế nào về showbiz Việt hiện nay khi nhiều khán giả cho rằng showbiz Việt đang có quá nhiều xì-căng-đan và chiêu trò?

- Tôi luôn tránh những điều đó ở mức tối đa. Tôi quen với việc mọi người trân trọng tôi và nhìn nhận tôi bằng những điều tôi làm vì nghệ thuật. Xì-căng-đan không bàn tới rồi, dù vô tình hay cố ý đều bất lợi với hình ảnh người nghệ sĩ.

Còn chiêu trò, tôi cũng chia ra làm 2 góc nhìn: một là không có tài năng nhưng cố gắng tạo ra cùng với sự tiếp tay của những mối quan hệ. Điều này đáng trách vì khi đó người nổi tiếng sẽ tạo gương xấu cho một bộ phận trẻ, làm cho họ dễ ngộ nhận rằng chẳng cần học hành giỏi vẫn nổi tiếng như thường. Góc nhìn thứ 2 là những nghệ sĩ có tài năng thật sự và họ dùng những “chiêu” (không phải là trò) của mình để đem lại những giá trị đích thực của nghệ thuật làm khán giả luôn thấy được nhiều điều mới thật sự thú vị ở mình. Tôi ủng hộ điều này, tôi phân tich thế để khán giả phân biệt rõ hơn chứ không đánh đồng cho các nghệ sĩ. Những người nghệ sĩ giỏi thật sự hiểu rất rõ những điều khán giả quan tâm nên những “chiêu” của họ không có “trò” ở đó mà có đầy tính nghệ thuật, vì điều họ nghĩ đến là khán giả sẽ được gì chứ không phải mình được gì từ khán giả…



*Việc liên tục “vào Nam ra Bắc” do công việc trong thời gian qua có ảnh hưởng đến thời gian chị dành cho gia đình?

- Vì vẫn luôn có kế hoạch rõ ràng và sắp xếp công việc khi vắng nhà nên sinh hoạt của gia đình tôi không ảnh hưởng, đặc biệt là việc học hành của bé Mimi. Ảnh hưởng lớn nhất là về tinh thần khi có những ngày cuối tuần mà đáng lẽ là lúc gia đình nghỉ ngơi đưa con cái đi đâu đó để hưởng thụ thì tôi lại phải đi công tác xa hàng ngàn cây số. Mỗi lần biết đến ngày mẹ phải đi công tác, gương mặt của Mimi rất buồn.

*Bé Mimi của chị có ước muốn theo đuổi con đường nghệ thuật như mẹ và dì không?

- Mimi thích nghe nhạc và thích những bài mẹ thích và bé nghe nhạc rất có gu. Đây là lúc trẻ con tích lũy cho mình một kho tàng âm nhac trong người qua văn hóa nghe. Mimi luôn mong được giống như mẹ và dì.


Hương Giang và em gái Thiên Hương

*Những dự án âm nhạc của chị trong thời gian sắp tới là gì?

- Sắp tới Lưu Thiên Hương có nhiều dự án sản xuất cho nhiều ca sĩ trẻ có tài năng thật sự. Đã nhiều năm hỗ trợ các ngôi sao tên tuổi rồi nên tôi nghĩ đã đến lúc mình dành những điều đó cho lớp ca sĩ trẻ bởi họ chính là chủ của nền âm nhạc Việt Nam sau này.

Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương sinh năm 1983 ở Nam Định, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (Ba là nhạc công Lưu Mạnh Cường, mẹ là ca sĩ Thanh Hòa được nhiều người biết tới ở Nam Định) nên từ nhỏ cô đã sống trong môi trường âm nhạc. Hiện tại gia đình cô cũng là một gia đình âm nhạc với chồng là nhạc sĩ phối khí Sơn Hải, em gái là ca sĩ Lưu Hương Giang, em rể là nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.



Cô bắt đầu sáng tác từ khi còn học trung học và bài hát của cô được bạn bè nhiệt tình đón nhận. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, vì muốn hát những ca khúc do chính mình sáng tác nên cô đã học tiếp văn bằng hai khoa sáng tác trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Từng là một ca sĩ trẻ triển vọng ở miền Bắc nhưng năm 24 tuổi cô đã quyết định từ giã ánh đèn sân khấu để xây dựng hạnh phúc gia đình và tập trung cho sự nghiệp sáng tác.

Lưu Thiên Hương bắt đầu được biết đến với những sáng tác cho album đầu tay của em gái mình là nữ ca sĩ Lưu Hương Giang như Vì em đã yêu anh, Thu tình yêu, Chiếc áo cho em… Tên tuổi của cô gắn liền với các giải thưởng Bài hát Việt cùng các ca khúc: Thu tình yêu (2005), Ngọn cỏ lau (2006), Quạt giấy (2007), Em sẽ là giấc mơ (2008), Guốc mộc (2009)…Thành công trong sáng tác của cô được khẳng định với sự góp mặt trong album của các ca sĩ Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Hoàng Thùy Linh…và gần đây nhất là sự hợp tác rất thành công với Uyên Linh trong các bài hát Mượn, Người hát tình ca .

Cô cũng là thành viên ban giám khảo Cuộc thi tiếng hát truyền hình TP HCM năm 2012 bên cạnh NSƯT Thanh Lam, NSƯT Thanh Thúy và nhạc sĩ Việt Anh.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét