Trần Lập: 'So sánh Bảo Anh với Hiền Thục là không thỏa đáng'

Vừa trở về Hà Nội và quyết định gác lại mọi công việc để nghỉ ngơi, nhưng nhạc sĩ Trần Lập vẫn sẵn sàng dành thời gian để có cuộc trò chuyện cởi mở. Anh chia sẻ: "Cần phải hiểu giá trị âm nhạc và lợi ích mà chương trình mang lại cho công chúng. Khán giả phải bước qua sự ảm đạm của một thị trường âm nhạc đã khiến họ quá ư mệt mỏi. Hãy ghi nhận sự nỗ lực của Giọng hát Việt khi đã khiến công chúng bỏ những trò chơi khác, ngồi ở nhà vào tối chủ nhật để yêu hoặc ghét một điều gì đó. Âm nhạc phải thực hiện sứ mệnh làm người ta xích lại gần nhau chứ không phải là thị phi, ganh ghét. Không có chuyện ai đó đang giẫm đạp lên dư luận mà dư luận đừng giẫm vào nhau".

Tôi không áp đặt

- Giữa lúc ở "tâm bão" dư luận, khi anh bị số đông chỉ trích bởi cái được cho là ưu ái dành cho Bảo Anh từ vòng "Đối đầu". Vì sao anh tiếp tục giữ quan điểm đó trong "Liveshow 2"?

- Về lý thường, nếu là một người ưa sự an toàn và không biết tự chịu trách nhiệm trước bản thân, trách nhiệm công việc và những điều mình nhìn thấy thì có lẽ, tôi nghiêng về tình huống an toàn cho mình. Tôi chọn ngược lại nhận định của số đông dư luận không phải là tôi bất chấp hay áp đặt cái nhìn với công chúng. Tôi cố gắng tách cảm xúc và lý trí ra một chút mà đặt mình vào cách nhìn tốt nhất để chặng cuối của cuộc thi đưa ra cho công chúng những tài năng thực sự.

Nếu so sánh bản thu âm Giấc mơ ngày xưa của Kasim Hoàng Vũ hay của ca sĩ Hiền Thục với phần trình diễn của Bảo Anh tại sân khấu tối 30/9 vừa qua sẽ không thỏa đáng. Bảo Anh chỉ là một thí sinh hát thật một lần và không thể so với những bản thu hoàn chỉnh. Khi cô ấy bước ra, khán phòng đã rất ủng hộ và cô ấy tạo được cảm xúc cho tới cuối bài khiến mọi người vỗ tay lớn tán thưởng.

Có nhiều người nói rằng, âm nhạc đâu cần hình thức, đó là một cách nói. Xét cho cùng khi bước ra sân khấu cũng cần có yếu tố này, yếu tố khác. Mấy ai khi bước ra sân khấu tự họ đã tỏa sáng được?

Xét kết quả tối 30/9, Bảo Anh chỉ là một trong số hàng chục người bước ra từ một chương trình. Khán giả đang sốt ruột như thể đây đã là chặng cuối nhưng còn những 10 đêm trực tiếp nữa, cô ấy không tiến bộ cũng không thể cạnh tranh với các thí sinh mạnh hơn. Những gì ngoài sân khấu, khán giả có thể không thấy. Rõ ràng, như trên sân bóng, một cầu thủ giỏi vẫn có thể sút ra ngoài. Đằng này, họ là những người đang còn phải học mà không thể thanh minh trước thập phần khó khăn.

Trần Lập trong đêm Liveshow 2 cuộc thi Giọng hát Việt.

- Từ những vòng ghi hình, các huấn luyện viên dường như dành quá nhiều lời nhận xét “có cánh” dành cho Bảo Anh, như khi so sánh với Taylor Swift. Một cách khách quan, ở vòng thi trực tiếp này, anh nói gì về khả năng của thí sinh này?

- Sự so sánh như bạn vừa nhắc tới vốn xuất phát từ một câu nói vui. Đó là khi Bảo Anh chọn ca khúc từng được Taylor Swift thể hiện quá thành công. Sau đó, câu nói đó được nhân bản và tạo thành bất lợi với cô gái trẻ. Cô ta không phải là át chủ bài hay át phó bài như người ta bình luận, càng không phải là Taylor Swift. Cô ta là Bảo Anh vẫn còn rất non, nhưng cô ấy có tiềm năng.

Chương trình này khai thác tiềm năng, không chỉ dành cho những người quá siêu đẳng. Nếu ai đó là hổ, phải ở trong rừng và vẫy vùng trong khu rừng của họ. Các thí sinh đến đây với mong muốn từng bước có gout âm nhạc tốt, sự lựa chọn tốt để phục vụ cho công chúng thôi.

Nếu cứ nói mãi chuyện Bảo Anh, thì lãng quên hết những người khác đều có khả năng. Tôi lắng nghe khán giả hàng ngày nhưng tôi không thể chờ khán giả bình luận xong mới lựa chọn được. Tôi làm việc ở hiện trường, phải có sự quyết đoán.

Không nên lãng phí tiềm năng

- Một chương trình truyền hình trực tế ồn ào trên công luận, rõ ràng nó thành công về mặt truyền thông. Nhưng với anh - một nghệ sĩ hoạt động âm nhạc lâu năm - anh kỳ vọng gì ở khía cạnh âm nhạc của chương trình này?

- Ngay từ đầu tôi xác định mục đích tham gia chương trình vì nhận thấy đây là cơ hội cùng công chúng chứng kiến tài năng từ sơ khai, từ lúc họ chưa từng được biết đến. Tôi tin họ sẽ làm được cho dù có sóng gió như thế này. Bất cứ môi trường nào sóng gió là không tránh được. Nếu xuất phát từ cái tâm, khán giả sẽ hiểu. Hãy tin rằng còn 10 đêm truyền hình trực tiếp, từng bước, từng bước những ai có khả năng nhất sẽ ở lại với chương trình. Đây là chương trình đào tạo, nên tôi cũng chú trọng khía cạnh cải thiện cho khả năng của con người. Không nên lãng phí tiềm năng mà có thể tạo cho họ cơ hội để học tập và phát triển lên.

Việc HLV Trần Lập chọn Bảo Anh vào vòng trong khiến dư luận dậy sóng.

- Tôi không muốn so sánh, nhưng theo anh, liệu "Giọng hát Việt" có làm nên một “hiện tượng” mang tên Uyên Linh tại "Vietnam Idol 2010"?

- Tôi nghĩ, để làm nên một điều gì đó cần đường dài chứ không phải là một ngôi sao lóe sáng. Giọng hát Việt có thể tạo nên hiện tượng, nhưng có lẽ cũng khoan hãy nói tới điều đó vì chương trình còn quá dài.

- Hàng loạt cuộc thi ca hát được tổ chức trong khi thực tế chứng minh rằng, tài năng không dễ tìm kiếm. Lấy đâu ra lắm tài năng vậy?

- Rõ ràng chúng ta thấy điều đó khó đúng không? Thử hỏi bạn, liệu có thể tìm ra tài năng không nếu ta không dấn thân? Một cuộc thi có thể hoặc không thể tìm ra tài năng, nhưng phải làm thì mới nảy ra được. Nếu không tạo cơ hội thì những người tự ti với bản thân sẽ không tìm đến. Cuộc thi nào cũng có giá trị của nó. Thực tế cũng cho thấy, có những thí sinh không lọt vào top sâu nhưng vẫn khẳng định được con đường đã chọn của họ như Lưu Hương Giang...

- Anh, hay ca sĩ Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà không phải là dự tính duy nhất của ban tổ chức trong vai trò huấn luyện viên. Thậm chí, được biết, nhiều người thẳng thắn từ chối nhận lời tham gia chương trình. Xin hỏi anh, vì sao anh lại đồng ý ngồi vào chiếc “ghế nóng” này?

- Ở thời điểm được mời tôi cũng chưa biết The Voice là gì. The Voice phiên bản Mỹ hay ở chính quê hương Hà Lan mới bước qua mùa thứ 2. Nếu có nghệ sĩ nào nói là quá hiểu về nó để từ chối, tôi không tin lắm. Có thể có người không sắp xếp thời gian được. Thực tế, để tham gia chương trình này, chúng tôi phải tranh thủ thời gian chăm lo cho công việc của mình, thậm chí dừng lại một số công việc.

Tôi không biết câu chuyện của người khác. Nếu đặt mình vào vị trí khán giả, tôi rất muốn nghe những tác phẩm mới, giọng hát mới, một cái gì đó mới mẻ đẹp đẽ của âm nhạc sau những gì bị gọi là thảm họa, lờ nhờ của đời sống âm nhạc mà báo chí phản ánh trước đó. Và đây là cơ hội chính mình xắn tay thay vì ngồi đó mà ngán ngẩm.

Anh tin tưởng cô học trò sẽ thể hiện tốt hơn ở vòng sau.

- Giả sử nếu biết có những sóng gió, thị phi như hiện giờ, anh có nhận lời?

- Tôi đã nhìn ra điều đó ngay từ đầu. Tôi có 20 năm hoạt động âm nhạc. Tôi chính là khán giả, từng xem truyền hình thực tế, chứng kiến những gì sóng gió mà người tham gia phải đương đầu nhất là khi The Voice đang "nóng" trên thế giới. Người ta vốn mất niềm tin vào cái tâm của những người làm âm nhạc nhưng cái tâm sao mà mất đi vĩnh viễn được. Trong môi trường này luôn có người này, người khác và nên nhìn thấy ở đâu đó điểm sáng và điều tốt đẹp.

Mọi người nên nghĩ tới các tài năng chứ đừng nhìn vào khía cạnh cô Bảo Anh nào đó. Lỗi của cô ta là vì cô ta xinh đẹp. Nhưng trong đội của tôi có những thành viên đáng nể như Kim Loan, Thùy Linh, Kiên Giang… Họ đội nắng, đội mưa, đổ mồ hôi, sôi nước mắt luyện tập. Tại những liveshow vừa rồi, họ được khán giả ủng hộ. Rõ ràng giá trị âm nhạc mang tới cho công chúng sự ảnh hưởng cụ thể. Tôi đứng về phía công chúng đặt niềm tin vào những giá trị âm nhạc mà trong khả năng của đội mình có thể làm được.

- Còn anh, anh thấy thế nào trước những ánh nhìn bất thường?

- Tôi vẫn vậy. Tôi nhìn thấy mọi điều và thậm chí tôi nhìn thấy trên trang cá nhân của tôi người ta nói gì. Dù bị mắng mỏ, tôi chịu vậy và kiên nhẫn để hiệu quả công việc ở những vòng sau nói lên nhiều điều hơn. Tôi luôn đứng về phía họ nhưng không phải lúc nào thực hiện ước muốn cũng là điều dễ dàng. Tôi biết họ đang giận dữ vì chưa hiểu tấm lòng của mình nhưng đó là diễn biến tâm lý bình thường. Tài năng âm nhạc thật sự của chúng ta vẫn ở đó và đã được khán giả bình chọn, đó là một thước đo.

Thêm một điều nữa, nếu có ghé qua trang cá nhân của Bảo Anh bạn sẽ thấy cô ta có một đối tượng khán giả teen ủng hộ rất lớn. Có thể trong công chúng có nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau, nhưng rõ ràng công chúng tuổi teen cũng cần được tôn trọng khi họ yêu thần tượng của mình.

Chúng tôi là huấn luyện viên, và chúng tôi có kế hoạch riêng cho đội của mình mà không thể lúc nào cũng trình bày phương pháp của mình cho đối thủ. Có thể lúc này họ chưa hiểu hết về chúng tôi nhưng tôi tin vào khán giả, họ luôn ủng hộ sự chân thành.

Theo Thể thao Văn hóa


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét