Sau giai đoạn buồn tẻ với toàn những chương trình ca nhạc mà đa số ca sĩ thích hát với nhạc thu sẵn hơn là ban nhạc sống, nhà tổ chức cũng muốn nhanh-gọn-rẻ và tiện cho truyền hình trực tiếp nên không cần ban nhạc… thì nay, nhu cầu nghe có cảm xúc đang làm thay đổi dần quan niệm “không cần ban nhạc”.
Giúp thí sinh chuyên nghiệp hơn
“Ban nhạc hôm nay chơi rất tuyệt”, “em phải cảm ơn ban nhạc vì đã giúp tiết mục của em bay bổng hơn nhiều”… là những lời ngợi khen mà các huấn luyện viên, giám khảo trong những chương trình truyền hình thực tế như Giọng hát Việt, Vietnam ‘s got talent, Vietnam Idol khéo léo dành tặng ban nhạc. Quả thật, từng có những giọng hát đã được nghe đâu đó, được cảm nhận rất bình thường, nhưng cũng chính những gương mặt ấy lại khiến người nghe phải “giật mình” vì sự lột xác của họ, khi đến với các cuộc thi hát trên truyền hình. Có được hiệu quả này, tất nhiên đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như ca khúc được chọn, bản phối đẹp, ban nhạc chơi hay và ca sĩ xuất thần... Nhưng những gì khán giả cảm nhận được rõ nét nhất, có lẽ là sự hòa quyện để cùng thăng hoa giữa người hát và ban nhạc. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp, người xem không khó để nhận thấy ban nhạc đã rất tinh tế trong việc “xử lý” những sơ suất, lỗi nhịp của ca sĩ/thí sinh, giúp họ “nhập cuộc” trở lại một cách... êm xuôi.
Ban nhạc của Hoài Sa chơi trong live show của Bằng Kiều - Ảnh: L.V.P.H“Không chỉ là linh hồn, tạo hưng phấn và nguồn cảm xúc cho ca sĩ, trong các sân chơi mà người hát hầu hết không chuyên như Giọng hát Việt thì ban nhạc, cụ thể ở đây là các nhạc công giỏi nghề dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Hoài Sa, đã giúp các thí sinh/ca sĩ trẻ ngày càng chuyên nghiệp và có ý thức hơn với nghề, bắt đầu từ việc hát live cùng ban nhạc”, ca sĩ Thu Minh nhìn nhận. Theo chị, không ít ca sĩ chuyên nghiệp vì quen hát với đĩa, nên khi hát cùng ban nhạc thì lúng túng ngay. Vậy nên, “Cùng với các cuộc thi tìm giọng hát, những chương trình ca nhạc cũng cần và luôn phải có ban nhạc, để cả người biểu diễn và người xem đều cảm nhận được cảm xúc thật những âm thanh vang lên, để các ca sĩ không còn cơ hội hát nhép, và cũng là để các nhạc công có nhiều đất mà dụng võ”, Thu Minh nói.
Chạy sô tất bật
Đó là tín hiệu đáng mừng, khi thời gian gần đây, nhạc công không còn hoạt động thầm lặng ở các phòng thu, hay chơi nhạc đều đặn một cách… bình yên ở các phòng trà. Một vài năm nay, không chỉ các chương trình thi thố ca hát, mà cả “ăn chơi nhảy múa” như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo…, hay sắp tới còn có X Factor, The voice kids... cũng đều cần ban nhạc. Chưa kể, live show của các ca sĩ hải ngoại lẫn trong nước diễn ra khá thường xuyên, thêm các chương trình định kỳ hằng tháng: Bài hát Việt, Bài hát yêu thích… Vậy là, cứ cuối tuần, hết chương trình này đến chương trình khác thay thế, các nhạc công cũng đắt sô không kém ca sĩ!
Nếu để ý thì sẽ thấy chỉ có một vài ban nhạc quen thuộc, và dù người đứng đầu là Hoài Sa, Lê Quang, Vĩnh Tâm, Đức Trí hay Lý Huỳnh Long… thì các thành viên còn lại cũng là những gương mặt quen thuộc “chạy qua chạy về” hỗ trợ cho nhau. Nhạc sĩ Phương Uyên cho rằng: “Đúng là môi trường hiện nay giúp cho các nhạc công phát huy tốt vai trò lẫn sự sáng tạo của mình, nhưng nếu đà phát triển này thì chuyện kẹt band rất dễ xảy ra. Bởi, thử nhìn quanh một vòng, sẽ thấy những nhóm chơi thân với nhau, hiểu ý nhau thì gọi nhau tập hợp. Mà hiện giờ bắt đầu thấy… đụng sô rồi. Trong khi ở nhiều quán bar, hoặc phòng trà ở các tỉnh, còn không ít nhạc công giỏi nghề nhưng chưa có điều kiện “ra ngoài”. Tôi nghĩ, những người trưởng nhóm cần tìm kiếm và kêu gọi thêm các thành viên có tiềm năng cho nhóm mình, vừa tránh tình trạng quá tải hoặc màu sắc giống nhau, vừa tạo được sự cạnh tranh để phát triển hơn nữa”.
Nguyên Vân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét