The Voice và câu chuyện 'dê hóa chó'!

Nếu công chúng trên thế giới gọi sự lừa dối trong các chương trình truyền hình thực tế là “sự dối trá ngọt ngào” vì dẫu có sự sắp xếp nhưng kết quả vẫn thuyết phục, làm hài lòng công chúng bởi đó là người tài năng, được công chúng yêu thích nhất theo đa số. Nhưng ở nước ta thì không như thế, sự dối trá của The Voice cho thấy chẳng có chút ngọt ngào nào.

Một điều lạ là, dẫu scandal dàn xếp kết quả là scandal cỡ lớn nhất năm nhưng nó cũng thuộc dạng “sớm nở tối tàn” ngay cả khi sự thật chưa hề được đưa ra ánh sáng. Scandal khép lại rất nhanh sau đó với kết luận cuối cùng: “Tội đồ” trong clip, Giám đốc âm nhạc (GĐÂN) Phương Uyên đã bị hại; nhưng ai hại, hại ra sao thì thông tin hoàn toàn mù mờ. Công chúng không hẳn là những người quá bao dung, cũng không phải thuộc dạng mau quên chóng chán. Họ nhanh chóng quên đi scandal này có lẽ là vì màn kịch được dựng nên của ông chủ The Voice là quá “bợm”.

Thiều Bảo Trang rút lui là một màn kịch nhằm chứng minh mình trong sạch của The Voice!?

Vậy màn kịch ấy là gì? Nhiều người cho rằng, đó là cuộc thanh tẩy scandal xem ra rất ư hoàn hảo của The Voice. Đầu tiên, nhân vật trung tâm của scandal là GĐÂN Phương Uyên bị thay thế bởi người khác, nhạc sĩ Hoài Sa. Trong giới, nhạc sĩ này là người nổi tiếng với những bản hòa âm piano cực hay. Nhưng xét về kinh nghiệm thực tế, chiêu trò trong giới showbiz thì thua xa Phương Uyên, cựu thành viên của nhóm “3 con mèo”. Nên ban đầu mọi người tưởng chừng sự thay thế ấy là vô lý, là sai lầm của ông chủ Cát Tiên Sa nhưng kỳ thực đây chỉ là “động tác giả” nhằm xoa dịu dư luận, loại bỏ scandal ưu ái cho “người tình” Thiều Bảo Trang của Phương Uyên mà thôi.

Và mới đây, Phương Uyên bị phát hiện vẫn làm những công việc quan trọng của The Voice, gần như là công việc cũ dù không mang danh. Công chúng mới tá hỏa hóa ra mình lại bị lừa, có người trong giới showbiz còn ngạc nhiên về sự tồn tại của Phương Uyên trong The Voice hiện tại thì huống gì khán giả, những người vốn chỉ có thể nhìn thấy những hào nhoáng của sân khấu!

Cổ nhân có cho rằng, “sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hóa thành sự thật”, bài học này được thể hiện trong một truyện cổ Ấn Độ. Truyện kể về một vị Bà La Môn ra chợ mua một con dê béo tốt về tế thần nhưng trên đường về ông đã bị một nhóm lưu manh rắp tâm đánh cắp. Và bọn lưu manh này đã lừa được ông Bà La Môn bằng cách áp dụng “sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần”. Cả bọn đã thay phiên nhau tiếp xúc ông Bà La Môn kia với điệu bộ hết sức ngạc nhiên và chúng luôn khẳng định con dê kia là con chó. Như: “Ủa, sao ngài cõng chó lên lưng mà đi như thế kia? Nó bị đau chân hả?”. Hay: “Thưa, chó là một con vật khả ố, sao ông lại để nước miếng nó dây vào người thế kia?”... Trong lần một, lần hai thì vị Bà La Môn đều phản ứng lại quyết liệt rằng, ông đang có con dê chứ không phải chó nhưng sau lần ba, lần tư thì ông bắt đầu hoài nghi chính mình. Và cuối cùng ông kết luận đó là con chó thật, trong khi mắt ông vẫn thấy đó là con dê. Ông thả dây và đi tìm ông chủ buôn tính sổ. Bọn lưu manh bắt con dê thật dễ dàng!

Việc Phương Uyên ra đi chỉ là chiêu lừa mị của ông chủ Cát Tiên Sa

Phải chăng The Voice đang áp dụng tốt chiêu này để thanh tẩy scandal?! Sau Phương Uyên những nhân vật liên quan đến scandal đã lần lượt ra đi vì bị loại hay tự ý xin rút như để chứng minh một điều rằng, “chẳng có dàn xếp gì đâu, các bạn đã nhìn thấy rồi đấy!”. Vừa qua, “người tình tin đồn” của Phương Uyên là thí sinh Thiều Bảo Trang, nhân vật “tâm bão” của scandal đã rút lui khỏi chương trình, lý do đưa ra là vì sức khỏe. Vừa trước đó, cô đã trình diễn rất sung tiết mục dự thi của mình, nhưng sau đó vài ngày lại bảo vì sức khỏe không cho phép theo tiếp cuộc thi thì kể cũng lạ. Dù sự thật về clip dàn xếp kết quả hay việc Thiều Bảo Trang có “chạy” giải hay không vẫn chưa rõ nhưng cô cũng để lại trong lòng công chúng sự hoài nghi lớn về sự trung thực của The Voice. Và nay họ đã loại đi hoài nghi ấy!? Ngoài Thiều Bảo Trang, những thí sinh liên quan đến scandal cũng đã lần lượt ra về như Đặng Thị Thu Thủy, đội Thu Minh hay Quỳnh Trang - Trang Ốc.

Sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ hóa thành sự thật! Phải chăng The Voice đang áp dụng bài học này?!

Đến bây giờ thì kết quả The Voice đã khác quá nửa so với kết quả trong clip. Nhưng liệu như thế có chứng minh được đây là một cuộc thi trong sạch hay chỉ như câu chuyện “dê hóa chó” kể trên? Có lẽ The Voice khó lấy lại được sự trong sạch đã đánh mất, bởi lòng tin của công chúng đã mất. Cho dù kết quả có khác thế nào, thì đó cũng chỉ là cái “thật” đằng sau sự dối trá!

Khán giả đang phải chứng kiến sự dối trá diễn ra dài dài trong các gameshow, người trong cuộc thì tỏ ra trong sáng, minh bạch, công chúng thì hoài nghi và phẫn nộ về sự trong sáng ấy. Nhưng công thức thành công của một chương trình bây giờ là thế, cần có phẫn nộ và hoài nghi của khán giả, showbiz đã xa rồi cái thời tài năng thật sự mới lên ngôi. Cách chọn “người đi kẻ ở” trong các cuộc thi thố tài năng gần đây đã dần chứng minh điều đó. Những thí sinh dù chẳng tài năng hay được yêu thích nhưng vẫn được chọn vì họ có thể làm công chúng phẫn nộ, hoài nghi, họ có một câu chuyện nào đó thu hút dư luận quan tâm. Như thí sinh chuyển giới Hương Giang trong Vietnam Idol chẳng hạn, một thí sinh hát như mèo hen lại được chọn và luôn có lượt bình chọn cao nhất thì quả là lạ! Dường như trong các cuộc thi gần đây, ban tổ chức đã chọn “rating” cao, chọn quảng cáo nhiều hơn là đặt ra tiêu chí chọn những tài năng.

Một cuộc thi dẫu có “tôn vinh nhầm” một tài năng thì cũng chẳng mấy quan trọng. Chẳng phải người ta hay nói tài năng dần bộc lộ sau khi đăng quang đó sao! Nhưng ở sự tôn vinh nhầm hay sự dối trá ấy có một hệ lụy vô cùng lớn khác; đó là làm cho một bộ phận giới trẻ đang, đã và sẽ bước chân vào giới showbiz nghĩ rằng chỉ cần sự dối trá, hay là khéo léo sử dụng các chiêu trò là có thể được nổi tiếng mà chẳng cần đến tài năng. Điều đó đang ăn vào nếp nghĩ, góp phần làm hư hoại họ, bằng chứng là có mấy gương mặt trẻ nổi tiếng bằng tài năng?! Đa số chỉ nổi lên nhờ một thảm họa hay một scandal nào đó.

Lỗi tại ai? Nhà tổ chức có lỗi khi bỏ quên nghệ thuật mà chỉ vì lợi nhuận vật chất. Nhưng nhà kinh doanh nào mà không nghĩ đến lãi, bởi vậy lỗi lớn nhất vẫn là bộ máy quản lý nghệ thuật biểu diễn. Họ quản lý không nghiêm hoặc xử lý theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” để rồi có lúc phải thốt lên rằng: “Ôi nghệ thuật xuống cấp!”.

Trúc Vân


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét