Một. Giả sử kết quả phần trăm số tin nhắn bình chọn cho các thí sinh (TS) The Voice được công bố đêm 30/9 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng là hoàn toàn chính xác thì khán giả đã thể hiện quyền lựa chọn của mình bằng cách nhắn tin cho Nguyễn Thùy Linh (bằng 31,70% phiếu), Trần Thị Kim Loan (với 31,63%) và “loại” Bảo Anh do trình diễn rời rạc, vô hồn, chất giọng mỏng, yếu, hát không rõ lời.
Huấn luyện viên “quyền lực” Trần Lập cũng chỉ là một người làm thuê - Ảnh: L.V.P.H.
Nhưng, khán giả đã “ngã ngửa” và tức giận chửi bới đầy trên facebook khi nhận ra mình… chẳng có quyền gì cả. Bảo Anh vẫn đi tiếp, vì theo luật chơi của The Voice, huấn luyện viên sẽ chọn cứu một người trong nhóm nguy cơ bị loại. Dù họ có thiên vị hay mù mắt chăng nữa, khán giả vẫn phải chấp nhận điều đó.
Hai. Các chương trình truyền hình thực tế luôn khẳng định: quyền thuộc về khán giả nhưng những scandal mua tin nhắn, gian lận kết quả… cứ xảy ra từ năm này qua năm khác, ở mọi chương trình từ Sao Mai - Điểm hẹn, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… Tất cả đã chứng minh ngược lại: khán giả chỉ có quyền khi việc thực thi quyền ấy được công khai minh bạch. Mà đòi hỏi sự minh bạch của truyền hình thực tế ở Việt Nam thì còn khó hơn… hái sao trên trời!
Ba. Giám khảo là những người làm thuê. Nếu người làm thuê có ý thức, họ sẽ không tiếp tay cho chủ làm điều xằng bậy. Nhưng, ai sử dụng lao động cũng biết rằng, khi có tiền, không thuê người này thì ta có thể thuê người khác, miễn được việc. Vả lại, để chiêu dụ công chúng thì quyền lực của giám khảo ngày càng bị bóp lại, để khán giả luôn cảm thấy họ mới là chủ cuộc chơi.
Bốn. “Nhà cầm quyền” là ai? Trên thực tế, bộ ba quyền lực ấy gồm các thành phần: nhà đài, nhà sản xuất (NSX) và nhà tài trợ. Tương quan quyền lực thế nào là tùy thuộc vào vị thế, số tiền và độ dễ dãi của các bên. Tiền tài trợ càng nhiều thì tiếng nói càng nặng ký. Kênh phát sóng càng lớn thì quyền kiểm soát nội dung càng to. NSX nào nắm nhiều chương trình “hot” thì càng dễ thuyết phục cả hai nhà kia. Trên cơ sở quyền lợi ba bên và lợi ích kinh tế, ba nhà này sẽ quyết định số phận các TS chủ chốt.
Cuối. Vậy cuối cùng khán giả chẳng được chọn gì sao? Tất nhiên là có! Khán giả hoàn toàn có thể lựa chọn hoặc vẫn theo dõi chương trình, nhắn tin bình chọn và sau đó là lên mạng xã hội trút giận; hoặc để nhẹ đầu hơn, họ có thể… chuyển kênh hay tìm phương thức giải trí khác.
BÌNH CHÂU
0 nhận xét:
Đăng nhận xét