Ác mộng cũng gặp... sô

Cửa sổ văn phòng

Các HLV trong show truyền hình Giọng hát Việt (The Voice)

Chưa bao giờ bà con dân tình được chiêu đãi nhiều sô (show) truyền hình thực tế như bây giờ. Qua rồi thời các bà các cô mong ngóng Hãy chọn giá đúng, hay nam thanh nữ tú chờ đợi Chiếc nón kỳ diệu mỗi tuần. Truyền hình từ lớn tới bé, từ tiền dân hay tiền túi, bên cạnh các chương trình talkshow mà đến 9/10 sô là nhàn nhạt, là "gồng" hay "cố tỏ ra nguy hiểm", thì có cơ man nào là chương trình thi thố tài năng.

Lan man một chút, một ngày đẹp trời người viết mục này nhận được tin nhắn trên một mạng xã hội (vâng, lại là mạng xã hội), rằng "viết gì về Rờ Voi (The Voice) chứ, "dậy sóng" nơi công sở văn phòng thế cơ mà..." Thật hạnh phúc xen lẫn tự hào (!) rằng mình đã được đặt hàng (oai như mấy nhạc sĩ được đặt hàng viết ca khúc cho ca sĩ đã, đang, mới, sắp và còn khướt mới... nổi). Nhưng dù rating (tỷ lệ xem) của chương trình đó có cao ngất đến đâu, quảng cáo trong thời lượng phát sóng chương trình đó bán chạy như thế nào, thì nó cũng chưa thể mô tả hết được những lâm li bi đát, những nước mắt chan hòa niềm vui và nỗi buồn của giới viên chức văn phòng theo dòng chảy của mỗi sô và của cả những xìcăngđan không hiểu vô tình hay hữu ý được tung lên rần rần trên mặt báo mạng, báo giấy.

Đơn cử là cuộc thi hoa hậu vừa kết thúc ít phút trước khi bài viết này được ra đời, chỉ là mấy chục cháu nhỏ 9x mặt bị trát phấn một cách thái quá và đi qua đi lại màn hình một cách khiên cưỡng cũng đủ dấy lên một làn sóng bình luận. Trên Facebook, trên Yahoo Messenger, trên Skype và cả những tin nhắn tập thể (group chat) trong điện thoại, thiên hạ rầm rập nêu ý kiến, người người ném đá, nhà nhà xốn xang.

Từ cháu này bụng to, cháu kia chân ngắn... từ kịch bản chương trình "dở như hạch" với Trống cơm trộn lẫn Shakira, tới những câu hỏi và câu trả lời ngây ngô trong phần ứng xử... tất tần tật đều được đám viên chức trực tiếp theo dõi và trực tiếp (thậm chí tranh nhau) bình luận. Ô hô, việc coi sô và bình đã trở thành việc – bắt – buộc – phải – làm (to-do-list) hàng ngày của chị em và cả anh em văn phòng. "Tối nay có sô gì?" được ghi nhận là câu hỏi thường gặp nhất trong các văn phòng trong thời gian gần đây.

Chả thế mà khi hai sô Bước nhảy hoàn vũ và Vietnam Got Talent vừa kết thúc, các sô khác đã chen chân để chui vào sóng nhà đài, hoặc chưa lên sóng thì cũng PR ì xèo để kích thích sự tò mò của dân chúng. Này nhé, những thông tin mà ai cũng có thể thu thập được thì sắp tới Vietnam Next Top Model sẽ tiếp tục cạnh tranh về rating với The Voice. Hay như dàn giám khảo và bộ phận sản xuất hoành tráng của Vietnam Idol liệu có làm nên được kỳ tích giống như cuộc đối đầu Uyên Linh – Văn Mai Hương lần thứ hai. Hoặc như Cặp đôi hoàn hảo liệu có tìm đâu ra một "Song Ngọc" rất tình và một Giáo sư Xoay rất mùi lần nữa... Đấy là chưa kể còn bao nhiêu sô khác có thể liệt kê một vài cái như X-factor, So you think you can dance, Cashcab... cũng đang ráo riết hậu kỳ để chuẩn bị lên sóng.

Quay trở lại với sô truyền hình người viết đã được gợi ý. Có ai mà không biết chàng hoàng tử mới đáng yêu chẳng kém gì đám nam ca sĩ xứ Hàn. Có ai mà không biết cô cháu gái của một nam ca sĩ nổi tiếng. Rồi những câu bình vô cùng giời ơi đất hỡi của bốn vị huấn luyện viên, trong đó có một người đã khóc sướt mướt, tu tu cho đám học trò mình muốn luyện. Và cả mấy bộ cánh cạnh tranh gay gắt của hai nữ giám khảo...

Còn nhớ cách đây hai năm, nhà nhà tổ chức thi sắc đẹp, khi đó các đơn vị chủ quản đã phải lên một hồi chuông báo động về chất và lượng của nhan sắc Việt và cũng bởi vậy mà vô số cuộc thi tìm kiếm sắc đẹp (và đồng thời là tìm kiếm tài trợ) đã bị xóa sổ. Nhân dân vô cùng mừng rỡ.

Nhưng nay với sự trăm hoa đua sắc của các sô truyền hình thực tế, dù 99,5% là mua bản quyền của các nhà sản xuất nước ngoài, thì người có lợi đầu tiên vẫn là người xem (đương nhiên ông nhà sản xuất thì cứ sản xuất để bán quảng cáo, ông thương hiệu thì cứ quảng bá sản phẩm dịch vụ qua những ông sản xuất này mong tăng lên sự hiểu biết của người tiêu dùng với sản phẩm/thương hiệu của họ).

Vậy nên đừng ai ngăn cấm, hãy để toàn dân buồn vui với từng sô truyền hình, hạnh phúc hay phẫn nộ với từng cá thể đang góp phần khuếch trương cho chính những sô đó, để việc đến văn phòng mỗi ngày là một ngày vui và để quên đi những tai ương đang diễn ra ngoài xã hội, quên đi bức tranh kinh tế xám ngoét chả thấy le lói một vệt màu sáng sủa...

Linh Xinh


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét