Sự cạnh tranh giữa các sân chơi ca nhạc

Người xem đang có sự lúng túng trong việc chọn lựa, thưởng thức và đánh giá các chương trình ca nhạc hiện được phát liên tục trên các đài truyền hình, từ trung ương đến địa phương. Bởi lẽ các nghệ sĩ biểu diễn hay thí sinh tham gia các cuộc chơi cũng chẳng có gì nổi bật và phần nhiều là những gương mặt quen thuộc. Có không ít thí sinh "bại trận" ở cuộc thi năm trước thì nay lại xuất hiện ở cuộc thi mới. Thêm nữa, ngay cả những ban giám khảo hay hội đồng nghệ thuật cũng trở nên nhàm chán, vì họ chỉ "diễn" và diễn theo một kịch bản, hay các format mua sẵn, ít thể hiện chính kiến riêng. Người xem nhiều khi cũng hồ hởi nhắn tin theo yêu cầu nhưng lòng cũng đầy nghi vấn, vì các cuộc chơi đều có mục đích riêng mà họ chưa hình dung ra trước khi bấm phím điện thoại.

Mốt chơi format ngoại

Bạn yêu âm nhạc đều biết "Trò chơi âm nhạc" đã diễn ra 10 năm nay là một format ngoại cũ rích, vẫn đang gắng gượng thắp lên những tia sáng cuối cùng trong các gameshows. Bên cạnh nó là các format ngoại khác như "Chiếc nón kỳ diệu" hay "Hãy chọn giá đúng" hoặc "Ai là triệu phú"… cũng bị lép vế, hoặc người xem đã thấy chán. Có nhiều lẽ, nhưng trước hết chúng chỉ thuộc loại trò chơi kiến thức hay sự ước đoán may rủi, ít tính giải trí nên người xem không có dịp tham gia. Kèm theo, các trò chơi này khó thu hút nhiều quảng cáo, vì ngày càng ít khán giả bật kênh. Chính vì lẽ đó, các format già nua này phải nhường bước cho các format mới, tràn ngập yếu tố giải trí vào các giờ vàng và các ngày phát sóng cuối tuần.

Có thể nói, độ dăm ba năm nay đã diễn ra cuộc chen lấn ồ ạt của những format ca nhạc đậm đặc mùi thị trường như "Vietnam Idol", "Bước nhảy hoàn vũ", hay "Cặp đôi hoàn hảo", "Vietnam'Got Talen", "Hợp ca tranh tài" và mới đây là "Giọng hát Việt". Hiện gameshow "Giọng hát Việt" đang có sức thu hút người xem hết sức bất ngờ. Cần phải khẳng định rằng, các trò chơi này luôn luôn lôi kéo được người xem hăng hái tham gia khi sự bình chọn của họ có giá trị nhất định. Thậm chí có những cuộc chơi, số lượng tin nhắn của khán giả có tính chất quyết định cho kết quả cuối cùng. Tham gia cuộc chơi một cách tự phát, cho dù chỉ có ý nghĩa năm ăn, năm thua trong các cuộc thi bao giờ cũng để lại sự thú vị cho người xem. Chính vì thế mà họ luôn chờ đón các gameshow mới này, vì họ có dịp thể hiện cảm xúc và sự đánh giá theo chủ quan của mình.

Ban Giám khảo chương trình "Giọng hát Việt" 2012.

So sánh một số cuộc chơi đang cùng diễn với "Giọng hát Việt" như "Sao Mai điểm hẹn", "Bài hát Việt", "Bài hát yêu thích" ta mới thấy trò chơi mới này có sức nóng đến mức nào. Mặc cho nhiều cuộc thi hay trò chơi đã trở nên nhạt thếch, khiến nhiều người ngao ngán, khán giả vẫn bị "Giọng hát Việt" cám dỗ. Thế mới hay sự nhạy bén về thị trường của một số doanh nghiệp truyền thông. Tuy nhiên, sự cập nhật ồ ạt các format ngoại trong sân chơi của giới showbits Việt đã tạo nên một thị trường đôi khi bị lệch hướng mà khó lường trước. Tại sao?

Tạo scandal hướng tới lợi nhuận tối đa

Ngoài sự độc đáo của kịch bản, các cuộc chơi đã có sức lôi kéo người xem vì sự tươi mới cùng những quy ước cho các nghệ sĩ tham gia, cũng như cách phân vai một cách rõ ràng cho các thành viên trong ban giám khảo hay hội đồng nghệ thuật để tạo không khí cho cuộc thi. Bản quyền của các kịch bản ngoại này rất nghiêm ngặt, không được phép tùy tiện thay đổi, và đó cũng là điều mà các nhà tổ chức mong muốn thực hiện. Bởi lẽ từ nội hàm cấu trúc kịch bản đã ẩn giấu những sự cố bất thường sẽ xảy ra mà chính thí sinh và cả giám khảo cũng khó lường trước. Những sự cố ấy trở thành các vụ scandal làm nóng dư luận và càng thu hút người xem.

Đã từng là người tham gia cuộc chơi, nhạc sĩ Quốc Bảo thừa nhận, giám khảo trong một kỳ thi cụ thể là người được thuê làm một công việc cụ thể. Anh còn nhấn mạnh rằng, ban tổ chức cần họ nhận xét khía cạnh nào ở thí sinh, hoặc cần họ đóng vai vui hay buồn, hài hước hay khó tính, là họ phải đáp ứng… Chính vì để làm tròn vai, không ít các thành viên trong ban giám khảo đã phải hứng chịu sự công kích của người xem, của báo chí hay của chính các thí sinh. Scandal xuất hiện, chúng tạo nên sự bùng nổ thông tin từ nhiều chiều khác nhau, làm "sôi động" các cuộc chơi.

Chương trình "Giọng hát Việt" đang diễn ra tạo được hấp lực mới lạ đối với người xem, với bốn ngôi sao hàng đầu của công nghệ ca nhạc thị trường. Đó là Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Trần Lập và Thu Minh. Thậm chí trong số họ có người không ít tai tiếng về chuyện này chuyện khác trong giới showbits. Ngay từ đêm đầu tiên đến nay, trong vòng thi "Giấu mặt", họ trở thành tâm điểm của các ngòi nổ thông tin. Đôi khi họ thể hiện sự ồn ào khi tranh luận, hay lại có lúc tỏ ra diễn hơi quá, nhưng quả là cả bốn người này có sức thể hiện đầy lôi cuốn, tạo nên một màu sắc mới của một cuộc chơi, ẩn giấu nhiều điều thú vị còn ở phía trước; đặc biệt ở vòng đối đầu sắp tới giữa các thí sinh. Khán giả vui vì sự mới lạ của trò chơi. Khán giả thích phong cách trẻ trung của bốn huấn luyện viên, cũng như sự thể hiện hết mình của hơn 100 thí sinh tham gia cuộc chơi trong vòng đầu tiên. Lượng người xem càng lớn thì nhà tổ chức lại càng có nhiều quảng cáo tăng lên sau mỗi đêm thi.

Theo bảng giá mới nhất do VTV quy định, các thời lượng phát hình từ 10 đến 30 giây có giá từ hơn 32 triệu đến 65 triệu đồng. Nhưng với những đêm thi theo format ngoại mới, thì mức giá quảng cáo lớn hơn nhiều và ngày càng tăng lên theo độ nóng của mỗi đêm khi tiến sâu vào các vòng tiếp theo. Thí dụ mức giá quảng cáo cho "Tìm kiếm tài năng" và "Cặp đôi hoàn hảo" là từ 70 triệu đến 150 triệu đồng tùy theo thời lượng phát hình. Hiện mức giá mới đề ra của quảng cáo trong chương trình "Giọng hát Việt" đang phát sóng đã là 120 triệu đồng cho 30 giây. Như người xem đã thấy, sau mỗi lần ngừng trò chơi để phát quảng cáo sau "Giọng hát Việt", thời gian kéo dài tới 10 phút là bình thường. Đấy là bảng giá cho mỗi đêm thôi, nếu tính cả chương trình, nếu doanh nghiệp nào theo đuổi quảng cáo thì chi phí tới hàng tỉ đồng.

Đó là sự nóng bỏng của đồng tiền, chúng tạo nên cuộc chạy đua bằng mọi giá để các đại gia truyền thông tậu cho được một format mới. Thậm chí có người đã bỏ ra cả triệu đôla mua format của các gameshow ăn khách ở nước ngoài để sản xuất.

Hệ lụy từ những sân chơi

Điều trước tiên là sự nhàm chán từ cách Việt hóa các gameshow ngoại cũ, mà các đài truyền hình trong cả nước đã mua bản quyền. Giờ đây, chúng tạo cảm giác như một sự pha loãng của hai thứ rượu nhạt, giữa người chơi và MC của chương trình, nên không mấy người xem quan tâm nữa, cho dù có một thời sôi nổi. Đó là câu chuyện tuy đã cũ nhưng chúng vẫn được phát sóng và tủi phận vì không có mấy doanh nghiệp ban phát quảng cáo.

Tuy nhiên, ngay những format mới của những trò chơi đang hiện hành lại có những điều bất cập khác nếu không điều chỉnh thì khó đi tới kết quả như ý muốn. Nếu gameshow "Giọng hát Việt" quá máy móc trung thành với format đã ký kết, tức là ưu tiên tuyệt đối cho giọng hát mà không chú ý tới nội dung tương tác khác thì rất dễ lạc bước. Ta có thể thấy, trang phục của bốn huấn luyện viên không hề thay đổi qua từng đêm. Liệu có nhất thiết thế không khi trò chơi hướng tới sự hấp dẫn và đổi mới. Bên cạnh đó còn là việc hầu hết thí sinh chỉ hát tiếng Anh qua các ca khúc nước ngoài.

"Giọng hát Việt" đâu khi người nghe muốn được thưởng thức giọng hát được thể hiện bằng những giai điệu quê hương. Đâu hẳn giọng hát của người Việt lại chỉ hay và được phát huy tối đa ở ngôn ngữ tiếng Anh? Hơn nữa, trong số các huấn luyện viên, có người lại không có ưu thế khi hát tiếng Anh, vậy họ sẽ huấn luyện thế nào đây? Nên chăng vào giai đoạn hai, nhà tổ chức cần có các bổ sung kèm theo những điều lệ về bài hát dự thi. Bởi lẽ "Giọng hát Việt" phải hát hay tiếng Việt mới hoàn thành sứ mệnh của cuộc chơi. Và điều đó chắc chắn sẽ chỉ càng thu hút người xem mà thôi


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét