Phía sau sự “ồn ào” của các “sao”

Những câu chuyện được coi là "lùm xùm" trong giới showbiz Việt không phải bây giờ mới có.

Tuy nhiên, gần đây dư luận lại “nổi sóng” khi ca sĩ Thanh Lam, một diva trong làng nhạc Việt trong bài phỏng vấn trên báo đã thẳng thắn “chê” Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà “không biết sẽ dạy các thí sinh cuộc thi Giọng hát Việt bằng cái gì?”.

Trong bài phỏng vấn, Theo Thanh Lam, những chương trình truyền hình thực tế đang mang nặng màu sắc giải trí và thương mại. Đơn cử như Giọng hát Việt, Thanh Lam cho biết “Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà dùng công nghệ rất nhiều. Nói gì thì nói khi dạy cho một bạn trẻ có triển vọng thì phải dạy bằng cái nghề của mình chứ không thể dạy bằng công nghệ được. Các bạn ấy không có tiền, không có cuộc sống để làm những thứ to tát thì phải dạy họ bằng thực lực. Tôi nghĩ rằng đào bới khả năng của các bạn trẻ thì phải bằng những giá trị đích thực. Khi tôi xem chương trình này tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?”.

Phải nói rằng, phát biểu của Thanh Lam đã khiến không ít người ngỡ ngàng, nhất là những người hoạt động trong giới văn nghệ sĩ. Điều dễ nhận thấy là, ý kiến khá thẳng thắn này đã “đụng chạm” đến một vấn đề mà bấy lâu nay dư luận đặc biệt quan tâm, đó là tình trạng một đêm thành “sao”, hay bỗng dưng thành người nổi tiếng. Để rồi đại bộ phận công chúng thường xuyên phải “chịu trận” với những kiểu âm nhạc được coi là “thảm họa”. Không cần nói nhiều về những phản ứng của cộng đồng mạng, của dư luận dù thực tế vẫn đang “dậy sóng” nơi nơi, thì bất kỳ một người dân nào có suy nghĩ nghiêm túc cũng đều biết rằng, những năm gần đây, tình trạng các cuộc thi chọn lựa tài năng trong giới nghệ đã diễn ra tràn lan, nhiều chương trình quá nặng mùi thương mại. Hệ quả của những hoạt động văn hóa thiếu chọn lọc ấy đã đưa đến những “sản phẩm” lệch chuẩn, thiếu bài bản, thậm chí cả những trò lố lăng, nhạt nhẽo, phản cảm khiến người xem bực mình, la ó, thậm chí phải tẩy chay. Công chúng yêu nghệ thuật cũng không còn lạ lẫm với những cách chọn lựa và lăng xê các tài năng âm nhạc khi những nhân vật ấy chỉ cần qua một đêm đã thành sao, thành người nổi tiếng để rồi tự họ “đôn” mình lên với những cái giá… ngất trời. Đành rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào khi muốn “dựng” một điển hình nào đó cũng cần đến kỹ năng, đến công nghệ. Thế nhưng, nó cũng chỉ có thể là bước đầu và mang tính tạm thời. Với lĩnh vực nghệ thuật mà chỉ thuần túy công nghệ thì thật khó chấp nhận bởi thực lực và những “lỗ hổng” kiến thức không sớm thì muộn cũng sẽ dần lộ ra, khi đó chính họ sẽ phải chấp nhận quy luật đào thải của… “thị trường”. Những người có trách nhiệm sẽ phải nghĩ gì khi không ít ca sĩ bỗng chốc thành “sao”, rồi thì sáng tác cả bài hát, tổ chức liveshow, ra đĩa nhưng một nốt nhạc cũng không biết. Vậy mà vẫn còn một sự thật nữa cũng rất “tréo ngoe” đó là những người “mới nổi” ấy lại luôn đi hét giá cat-xê trên trời, trong khi những người học hành tử tế, bài bản thì lại có giá “thường thường” đủ sống và phục vụ niềm đam mê mà mình đã theo đuổi.

Công bằng mà nói, Thanh Lam đã hơi “nặng lời”, thậm chí “vỗ mặt” với những người được coi đã “thành danh” như Mr. Đàm, như Hà Hồ, họ cũng là những “đàn em” mà diva này từng quý mến. Hơn nữa, cũng có những trường hợp không được đào tạo bài bản vẫn có tài năng thực sự, trong khi người học hành tử tế thì không làm nên chuyện gì.

Thế nhưng, suy cho cùng, không có những người “thẳng thắn” như Tham Lam, dám nhìn thẳng vào một sự thật vẫn còn không ít “bê bết” trong giới showbiz thì không thể trông đợi vào một nền âm nhạc phát triển với những tiêu chí chân-thiện-mĩ.

Duy Thường

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét