Lê Minh Mẫn: Khán giả dễ bị mắc bẫy

Anh từng “chửi tay đôi” với không ít người trên thế giới ảo - những nhân vật nổi tiếng trong đời thực.

Minh Mẫn cũng điển hình cho những hot blogger sử dụng mạng xã hội như một công cụ kinh doanh hiệu quả (anh hiện làm chủ một công ty chuyên PR, tổ chức sự kiện). Người ta gọi anh là “La Thị Bải” theo cái nghĩa là chuyện gì anh cũng sẽ la làng lên cho cả thế giới nghe, để thu hút sự chú ý và bằng cách đó anh có thể đạt được hiệu quả truyền thông mong muốn cho một chương trình, sự kiện – công việc làm ăn của anh. Khi anh xuất hiện với tư cách thí sinh ở The Voice, những cảm xúc trái ngược ấy lại tiếp tục lan tỏa ra ngoài phạm vi mạng...

* Bạn từng hợp tác với Cát Tiên Sa trong một số chương trình. Hiện bạn có đang làm PR cho The Voice không? Nếu có, có sự liên quan nào giữa tư cách thí sinh của bạn với hợp đồng ký cùng đối tác? Nếu không, vì sao bạn chọn thi The Voice mà không phải Vietnam Idol hay Vietnam’s Got Talent?

Lê Minh Mẫn thừa nhận từng làm truyền thông
cho nhiều chương trình

Lê Minh Mẫn: Do tôi có mối quan hệ tốt với một vài thành viên trong ban tổ chức nên trước đây từng hỗ trợ về truyền thông cho một vài chương trình. Ở những chương trình khác, nếu có ký hợp đồng và nhận chi phí, thì đó hoàn toàn đến từ đơn vị tài trợ chứ không phải đơn vị tổ chức. Riêng lần này, tôi xác định đi thi để trải nghiệm, nên tôi không nhận tiền từ phía nào cả, như thế cho đầu óc thoải mái, không vướng bận. Tôi tham gia với tư cách thí sinh, chứ không phải người làm PR hay hot blogger. Nếu bạn để ý, sẽ thấy phần lên hình của tôi không hề nhắc tới "hot blogger" hay Robbey.

Còn vì sao tôi chọn thi The Voice à? Nếu phần thi của tôi rơi vào tay những nhà tổ chức thích hành xử theo cái cách họ đã làm với một cô bé 16 tuổi như Quỳnh Anh, tôi không tin tưởng sẽ không có chuyện bị bóp méo tiếng, làm âm thanh tệ hơn... hay nhiều thứ nữa để tạo ra một scandal "thảm họa" như họ muốn. Nhưng ở The Voice sẽ không như vậy.

* Họ thỏa thuận với bạn như thế trước khi thi?

- Ơ không, là tôi thấy cách họ làm việc và tin tưởng.

Bên Idol tôi cũng từng làm việc. Lúc ấy, tôi ký hợp đồng với Click Media, một đối tác truyền thông của Unilever. Tôi đã quản lý một nhóm gồm năm hot bloggers trên các mạng xã hội khác nhau, bàn luận và đưa ra những ý kiến trái chiều về mùa giải thứ 3, nhằm thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, trong khi chương trình đang diễn ra, tôi thấy nhà sản xuất hay thích đẩy scandal lên quá mức cần thiết. Tôi không xem trọng cách làm ấy nên từ chối luôn những dự án sau của họ, bao gồm cả Got Talent.

* Với ảnh hưởng của Robbey trên cộng đồng mạng và cách bạn xuất hiện, thật khó để không nghi ngờ sự xuất hiện của bạn là để gây hiệu ứng truyền thông cho chương trình, dù bạn phủ nhận và chúng tôi sẽ tôn trọng điều bạn nói, nhưng bạn có nghĩ BTC "vô tư" với trường hợp của mình không?

- Ở The Voice, thực ra chiêu trò giải trí không nằm ở thí sinh, mà nằm ở cách huấn luyện viên tung hứng với nhau. Ngay từ đầu, chị producer đã xác định là như thế. Thí sinh toàn là những người giọng khủng, hoặc cá tính nổi trội, hoặc câu chuyện hay ho, hoặc tất cả các yếu tố trên, họ không cần phải tạo màu hay làm quá thêm. Ngay cả như bản thân tôi, về giọng hát có thể vẫn gây tranh cãi, nhưng làm sao phủ nhận được cá tính mạnh của tôi. Cá tính ở đây là dám nghĩ, dám nói và dám làm, dám sáng tạo và phá cách.

Vấn đề đến từ đâu? Từ vài trang báo mạng. Như một bạn gọi tôi là "thảm họa" thậm chí không biết tới danh tính và phần thi của các thí sinh nổi bật khác trong đêm. Với một người không theo dõi kỹ chương trình, mà chỉ giật tít để câu khách rẻ tiền, tôi nghĩ mình nên trách đúng người chứ không phải trách ban tổ chức.

* Là người nhiều kinh nghiệm về truyền thông mạng, bạn đánh giá thế nào về sức mạnh và ảnh hưởng của của cộng đồng mạng hiện nay với một chương trình truyền hình thực tế? Công việc của bạn với những đối tác là làm cho ảnh hưởng đó càng lớn càng tốt?

- Tôi đã xem rất nhiều chương trình - từ Idol đến X-Factor, The Voice, Got Talent, Next Top Model... Không chỉ phần thi của thí sinh mà còn là cách đào tạo, cách dàn dựng sân khấu, cách xây dựng câu chuyện, cách chạy bài trên truyền thông... Một số khán giả chưa quen thuộc với những chương trình kiểu này dễ bị "mắc bẫy". Ban tổ chức có thể "định hướng" dư luận như chạy bài theo ý họ với các đối tác truyền thông, như một trang báo mạng có tiếng từng là đối tác của VN Idol mùa ba, rồi tung hứng trên các diễn đàn, từ đó tác động đến báo chí chính thống...


Phần thi của Lê Minh Mẫn tại Giọng hát Việt - The Voice

* Thế lực tác động của những kênh thông tin đó đang lớn hơn và "dắt mũi" báo chí?

- Quan hệ của truyền thông mạng với báo chí là quan hệ tương tác. Những nhà tổ chức thành công biết tận dụng tốt quan hệ tương tác đó. Thủ thuật ai cũng có và đã làm chương trình thì phải thực dụng, nhưng đơn vị nào có tâm sẽ có cách xử lý thông tin nhân bản. Ví dụ những ý kiến quá khích, chửi bới tục tĩu trên chính fanpage của một chương trình khi xảy ra scandal chẳng hạn, chọn xóa đi kịp thời hay để lại cũng là một bài tính lựa chọn để góp phần tạo ra cái gọi là dư luận.

* Bạn có cho rằng báo chí, đặc biệt là báo mạng đang ngờ nghệch trước bài tính PR của những người làm show?

- Theo tôi, báo mạng không ngờ nghệch, mà họ tinh ranh, đặc biệt trong khoản đưa thông tin một chiều.

Nếu lên blog, lên Facebook nhận xét vui còn được, bởi nó mang tính cá nhân. Chứ đã đem lên báo, thì bạn phải có cái nhìn tổng quát, đa chiều. Ví dụ như lý do một bạn phóng viên báo mạng giải thích vì sao viết phần thi của tôi là "thảm họa" thế này: Vì có một nguồn link cho thấy trên 1.000 người không thích và chửi bới tôi trên Youtube. Trong khi đó, bạn ấy hoàn toàn phớt lờ chuyện chỉ trong vòng vài tiếng, phần thi của tôi đã có trên 1.300 lượt yêu thích ở một nơi khác và không hiếm phản hồi tích cực. Đường dẫn vẫn còn đấy, phóng viên hoàn toàn có thể chụp ảnh, nhưng bạn ấy không làm.

* Việc bị chê có khiến bạn thông cảm hơn với ai từng bị mình chê bai và cẩn trọng hơn khi phê bình người khác? Bạn nghĩ gì về văn hóa ném đá trên internet?

- Xưa giờ tôi vẫn cảm thông đấy chứ, đâu phải đợi đến The Voice! Đồng ý là tôi từng chê một số người, nhưng tôi có kiểm chứng đàng hoàng từ nhiều nguồn. Hơn nữa, số lượng nghệ sĩ và các cá nhân khác được tôi nể trọng, khen ngợi và động viên còn nhiều hơn gấp bội phần.

Về văn hóa ném đá, tôi thấy khen chê là quyền của mỗi người. Nhưng nếu tiếng nói của bạn đủ mạnh, thì bạn cứ nói với tư cách cá nhân, đừng có tập hợp thành đám đông rồi đi khắp nơi để phát ngôn vô văn hóa. Đó không phải là cách cư xử của những người tiến bộ trong một xã hội văn mình. Tôi chưa bao giờ kêu gọi fans của mình đi đến bất cứ đâu để ném đá ai cả. Có lẽ nhờ thế, tôi mới được họ yêu quý đến ngày hôm nay. Tôi không buồn khi bị chê mà nên vui để trân trọng tình cảm của những người ủng hộ mình.

***

Mẫn khẳng định mình vô tư tại The Voice, nhưng ngay trong cách anh trả lời, ngay trong câu chuyện tưởng chừng như chỉ thuần túy về truyền thông mạng, anh đã hé lộ cho khán giả rằng những người làm chương trình truyền hình thực tế đều có thủ thuật – từ thủ thuật câu kéo khán giả đến thủ thuật tác động vào truyền thông, dù là truye62ng thông mạng hay chính thống. Có vẻ như trên bàn cờ của những chương trình thuộc nhóm ăn khách nhất thế giới đã, đang, và sẽ xuất hiện tại Việt Nam, khán giả và truyền thông chỉ là những quân cờ được xếp đặt, dàn dựng, giật dây vào những thời điểm cần thiết, hợp lý để phục vụ cho mục tiêu tối thượng của nhà tổ chức – lượng người xem (tương ứng với doanh thu quảng cáo) và số tin nhắn.

Cứ cho là Mẫn cũng như nhiều nhà tổ chức các show truyền hình thực tế thật sự vô tư như cách họ nói thì sự “vô tư rất thật lòng” ấy vẫn luôn "đúng lúc, đúng chỗ" và đó chính là cái mà khán giả cần tĩnh tâm nhận định.

NGUYỆT QUẾ (thực hiện)


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét