Lạm dụng ca khúc ngoại trong các cuộc thi âm nhạc trong nước :Vì dễ "lừa" ban giám khảo?

Thực trạng này đặt ra những luồng dư luận: Phải chăng không còn nhiều bài hát Việt "đáng" để các thí sinh hát, hay vì các thí sinh dễ "lừa" Ban giám khảo (BGK) và công chúng?

Ca khúc ngoại "soán ngôi"


Thời gian gần đây, nếu theo dõi các cuộc so tài ở các gameshow "đình đám" trên truyền hình như VietNam's Idol, VietNam Got Talent… có thể dễ dàng nhận thấy, cứ 10 thí sinh thì có đến một nửa lựa chọn các ca khúc nhạc nước ngoài để thể hiện. Đa số là các ca khúc "để đời" của các ca sỹ, ban nhạc tiếng tăm trên thế giới. Bên cạnh một số thí sinh có khả năng thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Pháp, Nga hay Tây Ban Nha… thì hầu hết là các ca khúc tiếng Anh.

Như ngay tại gameshow dù có cái tên rất Việt là "Giọng hát Việt" (The Voice) đang được phát sóng trên VTV3 vào tối chủ nhật hàng tuần, thu hút lượng khán giả khá đông, phát sóng 4 tập đầu, cuộc chơi này đã thể hiện sự soán ngôi "vượt trội" của các ca khúc ngoại. Ngay đêm cuối của vòng thi "Giấu mặt" phát sóng vào tối 29-7, sự soán ngôi này được thể hiện khá rõ khi mà 12 thí sinh thì có đến 10 thí sinh chọn bài hát tiếng nước ngoài.

Trong 3 tập trước, sự "lên ngôi" của các ca khúc tiếng Anh cũng được 2/3 thí sinh lựa chọn và được các huấn luyện viên (HLV) đồng loạt bấm nút "chọn".


Trần Thị Tố Ny, một trong hai thí sinh The Voice chọn thể hiện ca khúc Việt thì bị cả 4 HLV "ngoảnh mặt" sau đó nuối tiếc. Ảnh: Quang Minh

Các HLV chưa chắc "hiểu" nhạc ngoại?


Chia sẻ cảm nhận về thực trạng này, nhiều thành viên trên các trang mạng cho rằng, thời kỳ hội nhập, việc các thí sinh lựa chọn ca khúc tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) là xu thế tất yếu. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng, ca khúc tiếng Việt vốn không có nhiều lựa chọn cho các thí sinh thể hiện tài năng, nhất là với những cuộc thi mang hơi hướng đưa thí sinh đến với sự phát triển của "nhạc thị trường" chứ không phải là nhạc truyền thống. Một bạn đọc bày tỏ: "Sao lại băn khoăn hát tiếng Anh hay Việt, quan trọng là giọng hát và diễn tốt. Tiếng Anh hiện là ngôn ngữ thịnh nhất trên thế giới".

Luồng ý kiến khác lại cho rằng, do nhạc ngoại dễ "bắt chước" và còn để các thí sinh dễ "lừa" BGK khi không phải vị HLV nào của cuộc thi cũng "hiểu", "cảm thụ" được các ca khúc này.

Có bạn đọc nhận xét, phiên bản The Voice ở Việt Nam? Bản TheVoice ở Việt Nam mà rất hiếm khi nghe được bài hát tiếng Việt nào. Các bạn hát tiếng Anh đã chuẩn chưa, có bị lớ không, có luyến theo đúng giai điệu cảm xúc của bài hát không...? BGK không thể cảm nhận hết những điều đó. Còn hát tiếng Việt phải phô kỹ thuật rất nhiều và BGK chắc chắn sẽ cảm nhận chính xác hơn về khả năng của thí sinh.

"Tôi thấy các vị ban giám khảo thường xuyên lắc lư theo nhạc, hào hứng với các ca khúc nhạc ngoại quốc. Nhưng có chắc mấy người trong số họ hiểu, cảm nhận được các ca khúc ấy? Có chắc họ đã từng nghe qua các ca khúc ấy để có thể nhận xét được thí sinh hát đúng, hát chuẩn, ngân nga đúng đoạn? Có khi họ cũng chưa từng nghe rồi nhận xét chung chung: Em thật là tuyệt vời, em là chàng hoàng tử..." - một bạn đọc chia sẻ. Cùng nhận xét này, bạn đọc khác cho rằng: "Tôi nhận thấy đa phần các thí sinh hát nhạc nước ngoài đều không đạt, nghe vẫn thấy ngang và không lay động cảm xúc. Là người Việt trong cuộc thi giọng hát này tôi thích các thí sinh thể hiện ca khúc bằng tiếng Việt. Rất nhiều bài hát hay và gần với khán giả".

"Thảm họa âm nhạc"


Chia sẻ về vấn đề này, ca sỹ Tùng Dương, thành viên BGK Sao mai điểm hẹn 2012, nhận xét: "Có nhiều thí sinh hát tiếng Việt rất ổn nhưng vẫn cố tình "sính ngoại" để bằng chị bằng em khiến bản thân tự rơi vào "thảm họa âm nhạc" lúc nào không hay". Còn một nhạc sỹ khác cho rằng, chọn hát tiếng Anh đang trở thành một xu hướng mới của các gameshow mang tính thi thố về âm nhạc. Có lẽ bởi ca khúc tiếng Anh dễ thể hiện, lại có nhiều ca khúc nổi tiếng nên các bạn thí sinh, nhất là đối tượng thí sinh "tuổi teen" rất hay chọn. Điều này phần nào tạo nên màu sắc mới nhưng cũng là một sự thách thức đối với những người cầm cân nảy mực.

Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ thêm, các thí sinh chọn ca khúc tiếng Anh bởi thanh âm tiếng Anh hát dễ hơn là tiếng Việt. Tiếng Anh khi phát âm không bị đóng âm như tiếng Việt. Người hát có thể dễ lấp liếm tinh thần của mình trong cách hát. Còn nhạc sỹ Hồ Hoài Anh và nhạc sỹ Sỹ Luân cho rằng, ca khúc tiếng Anh chỉ nên là "gia vị", và các thí sinh thể hiện ca khúc tiếng Anh tốt chưa chắc đã hát tiếng Việt tốt. Trong khi đó, những cuộc thi như: Vietnam's Idol, Vietnam Got Talent, Giọng hát Việt (The Voice),… là để tìm kiếm tài năng Việt, giọng hát Việt cho chính những khán giả Việt nghe. Hai nhạc sỹ này có quan điểm, các gameshow muốn tìm kiếm được tài năng âm nhạc Việt Nam thực sự thì trước nhất phải khuyến khích các thí sinh phô diễn tài năng và chất giọng của mình bằng những ca khúc Việt. "Mình là người Việt, sống trong môi trường Việt thì hãy chinh phục khán giả bằng tiếng Việt trước rồi hãy hát bằng các ngôn ngữ khác" - nhạc sỹ Hồ Hoài Anh nhắn nhủ, và đưa ý kiến, Ban tổ chức các chương trình phải thể hiện vai trò kiểm soát của mình.

Quang Minh

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét