Khó như làm… giám khảo chương trình truyền hình

Trong một vài năm trở lại đây, thị trường của show truyền hình thực tế dường như sôi động hơn bao giờ hết. Khán giả truyền hình liên tục được chiều lòng bởi những cuộc thi âm nhạc, người mẫu, tài năng mà trong đó giám khảo, người chơi và công chúng là ba cột trụ cơ bản tạo nên thành công cho mỗi cuộc thi.

Trong đó, ban giám khảo còn tạo nên một màu sắc riêng biệt cho mỗi chương trình. Khán giả có thể không nhớ tên từng thí sinh nhưng không thể lẫn giám khảo của show này với show khác: Xuân Lan – giám khảo chân dài của Vietnam’s Next Top Model, Lê Hoàng – giám khảo “khó tính” của Cặp Đôi Hoàn Hảo hay Quốc Trung, Quang Dũng – hai vị giám khảo với style trái ngược của Việt Nam Idol.




Bộ tứ quyền lực của Vietnam’s Next Top Model 2012

Giám khảo là nghề “vừa được ăn, vừa được nói vừa được gói mang về”…

Đơn giản họ là những người cầm cân nảy mực ở mỗi cuộc thi. Những nhận xét của họ không chỉ mang tính chuyên môn giúp đỡ những thí sinh tiến bộ qua từng đêm diễn mà còn mang tính định hướng cho phần đông những khán giả xem truyền hình. Như vậy, yếu tố giám khảo còn như một mối nối quan trọng gắn kết hai yếu tố còn lại là người chơi và công chúng.

Những câu nhận xét ngắn gọn nhưng hài hước hay sắc sảo còn là một thứ gia vị không thể thiếu cho mỗi show truyền hình thực tế. Khán giả có khi không chỉ xem hôm nay có những thí sinh nào, họ hát hay ra sao mà còn muốn biết hôm nay ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng (The Voice) sẽ “giành giật” ai, ca sĩ Tùng Dương (Sao Mai Điểm Hẹn 2012) sẽ “hớ” ra sao, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Vietnam Idol) sẽ “đá” câu gì bất hủ hay đạo diễn Lê Hoàng (Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ) sẽ “xoáy” vào thí sinh nào. Chính vậy mà nhiều người sẽ nghĩ nghề giám khảo sao mà sướng, họ có cái quyền “vừa được ăn, vừa được nói vừa được gói mang về”.


Ca sỹ Tùng Dương lần đầu ngồi ghế nóng Sao mai điểm hẹn 2012

…Hay là nghề bị “ném đá”?

Nhưng sự thực thì những cuộc thi truyền hình thực tế gần đây cho thấy, làm cái “nghề” giám khảo thực sự cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều vị chẳng mấy cảm thấy dễ chịu sau một mùa giải ngồi lên chiếc “ghế nóng” đó. Thậm chí, một vài giám khảo còn không chịu được sức ép dư luận mà phải “ra đi” ngay từ những số đầu tiên.

Đó là trường hợp của nhạc sĩ Trần Tiến, chỉ sau hai số của “Bước nhảy hoàn vũ”, vị nhạc sĩ nổi tiếng hóm hỉnh, thông minh này đã nói lời tạm biệt với chương trình chỉ vì “lỡ” lời nhận xét quá vô tư, thẳng thắn.


Trần Tiến xin rút lui khỏi Bước nhảy hoàn vũ 2011

Chưa dính vào cú phốt “vạ miệng” nào, nhưng nhạc sĩ Tuấn Khanh đã từng là giám khảo của rất nhiều chương trình âm nhạc chất lượng như Vietnam Idol hay Sao mai điểm hẹn cũng tự nguyện “ra đi” khỏi chiếc ghế BGK lắm nỗi truân chuyên này. Trong một bài báo gần đây, anh có chia sẻ rằng “Làm sao để nói được điều đúng, không làm tổn thương thí sinh và không lừa mị khán giả, tôi cho đó là một áp lực lớn”. Anh từ chối lời mời là giám khảo chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” cũng là vì những áp lực “nhìn thấy từ trước” đó.

Thật hiếm có vị giám khảo nào được nhiều người yêu mến mà không bị vô số kẻ dèm pha một khi đã ngồi vào ghế nóng của truyền hình. Như một vị giám khảo nổi tiếng đã nói “Mình chấm điểm thí sinh nhưng khán giả cũng đang chấm mình”. Nếu giám khảo quá khắt khe, thẳng tay cho thí sinh điểm thấp (dù hoàn toàn công tâm) thì khán giả sẽ phẫn nộ và chỉ trích không thương tiếc.

Đạo diễn Lê Hoàng có lẽ được bầu chọn là vị giám khảo kiên định nhất vì vẫn giữ được những nhận xét sắc sảo dù bị cả khán giả và thí sinh “ném đá” tơi bời. Nhưng nếu vì để chiều lòng khán giả mà đưa ra những nhận xét chung chung và chấm điểm thoáng thì một cơn mưa từ ngữ “hiền, nhạt, không biết chê” sẽ rơi xuống đầu họ.

Đồ Rê Mí là một cuộc thi dành cho thiếu nhi, nhưng lại thu hút rất nhiều những người lớn yêu trẻ nên ba vị giám khảo cũng không nằm ngoài những luồng dư luận trái chiều ấy. Thái Thùy Linh, Trấn Thành và Châu Anh có lẽ là bộ ba giám khảo “đa đoan” nhất khi phải chấm điểm cho trẻ con nhưng lại luôn bị chấm ngược bởi người lớn. Nếu khen chê nhẹ nhàng để trẻ con không bị tổn thương thì lại bị người lớn “ném đá” không thương tiếc là “nhạt”, “vô duyên”. Cũng vì là cuộc thi của trẻ con nên giám khảo và thí sinh rất gần nhau. Không một chương trình nào mà mỗi khi hoàn thành xong phần thi của mình thì thí sinh lại xuống bên cạnh giám khảo để được lau mồ hôi, để được ôm vào lòng hay giám khảo mỗi khi thích thú lại ngẫu hứng biểu diễn cùng thí sinh. Giám khảo và thí sinh “hồn nhiên” như vậy thì lại bị quy là “dàn dựng”.


Trấn Thành lần đầu ngồi ghế nóng Đồ Rê Mí 2012

Đặc biệt trong mùa Đồ Rê Mí năm nay, Trấn Thành lại “soán ngôi” của Xuân Bắc. Khán giả đã quen với hình ảnh một Trấn Thành nổi bật trong vai trò MC và diễn viên hài với nhiều thể loại vai, nên ở vị trí Ban giám khảo, anh có phần mờ nhạt so với hai vị giám khảo có chuyên môn trong âm nhạc kia.

Ca sĩ Trần Lập trong game show The Voice đình đám gần đây rơi vào trường đó. Thái độ điềm đạm cùng những nhận xét vừa phải, khiêm tốn của anh trong tập đầu tiên bị cho là nhạt, “một mình một kiểu”. Thêm vào đó, những câu nhận xét của những vị giám khảo đáng kính sau mỗi đêm biểu diễn sẽ được đưa ra mổ xẻ trên mặt báo ngay vào sáng ngày mai.


Giám khảo Giọng hát Việt Trần Lập
Giám khảo là nghề tự đào tạo, cũng là nghề “cung không đủ cầu” nên những người được coi là chuyên gia trong lĩnh vực nào thì thường được mời làm giám khảo trong những lĩnh vực liên quan, mà nhiều khi cũng chẳng liên quan. Phải chăng dư luận đã quá lạm dụng từ “nhạt” dành cho những người cầm cân nảy mực, khi họ chỉ không nổi bật bằng hình ảnh của chính mình trên “sân khấu chuyên môn” mà thôi.
KM

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét