Chương trình giải trí, không đổi mới là… “đoản thọ”

Cùng với việc truyền hình thế giới ngày càng phát triển các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, nhiều chương trình âm nhạc đậm chất Việt dần dần đã bị thay thế bởi những chương trình có bản quyền quốc tế và rồi câu chuyện chương trình sau giết chết chương trình trước lại xảy ra…

Cái mới “nốc ao” cái cũ?

"Sao Mai" và "Sao Mai điểm hẹn" ngày càng nhạt, đó là điều nhiều người hâm mộ (NHM) những chương trình được coi là thuần Việt này phải cay đắng chấp nhận, từ vị trí độc tôn trong lòng NHM giờ đây những chương trình này chỉ còn là cái bóng huy hoàng của quá khứ. Tương tự chương trình "Vietnam Idol", một chương trình từng gây sốt vài năm trở lại đây cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị "The Voice" lấn át, thậm chí đã có lúc còn có ý kiến nên tạm dừng phát sóng chương trình trên.

Có thể thấy rõ rằng thực tế này không chỉ ở Việt Nam mà nhìn ra thế giới cũng thấy quy luật đào thải khắc nghiệt ở các cuộc thi. Trong những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các cuộc thi âm nhạc, vũ đạo, tài năng nói chung được xem như một tín hiệu mừng cho truyền hình thế giới bởi khán giả có nhiều sự lựa chọn khác nhau để tìm đến một chương trình mình yêu thích.


The Voices đang trở thành chương trình thu hút khán giả tại VN. Ảnh TL

Thế nhưng đây cũng là một thách thức của những người làm chương trình, thậm chí những cuộc thi lớn như “The Voice”, “Idol”, “Got Talents”... Vì nếu họ không đổi mới, không có sự khác biệt so với những chương trình khác, chắc chắn sẽ khó mà "mua" được sự kiên nhẫn của người xem. Khi mà Idol đang dần mất đi sức hút, cũng là lúc The Voice xuất hiện với tham vọng thay thế ngôi vị đế vương này.

Không còn vị trí cho những trò thí sinh "mua vui" khán giả, The Voice đi thẳng ngay vào công việc với những tài năng âm nhạc thực sự và nỗ lực thỏa mãn người yêu nhạc khắp nơi. Tuy vậy, không phải The Voice ở phiên bản nước nào cũng thành công, đặc biệt ở một số quốc gia, sau khi tạo được nhiều tiếng vang ban đầu, The Voice dần về sau cũng đuối khi rating (tỷ lệ khán giả xem) liên tục giảm.

Ở những nước phát triển, ví như Anh, nơi mà "The X" đang thống trị tuyệt đối rating truyền hình cho những show ca hát, việc du nhập của The Voice vào thị trường âm nhạc khó tính bậc nhất này là một việc hết sức khó khăn, nhất là khi mà format của chương trình vẫn chưa tìm được thế mạnh và nét riêng của mình để phát triển ở thị trường Anh. Mùa giải thứ nhất của The Voice Anh trôi qua trong quá ít biến động. Mùa The Voice thứ hai ở Anh cũng do rating quá thấp nên đành phải ngưng trệ vô thời hạn.

Nghịch lý này chứng tỏ một điều không phải cứ chương trình mới sẽ giết chết chương trình cũ nếu không có một bản sắc riêng. Tại Việt Nam, ví dụ rõ ràng nhất là cuộc thi tìm kiếm nhóm nhạc nữ "Sáng bừng sức sống" do Cty Early Riser tổ chức. Từng hứa hẹn sẽ tiếp tục tái ngộ khán giả, nhưng đã quá nửa cuối năm nay, thông tin về mùa thứ 2 vẫn là một dấu chấm hỏi rất lớn.

Kéo dài lê thê từ giữa năm 2011 cho đến đầu năm 2012, cuộc thi “Vua hài đất Việt” vẫn chưa có cái hẹn cho hồi kết sau nhiều lần ngừng phát sóng, bản thân chương trình cũng không tạo được sức nóng như lời hứa hẹn của ban tổ chức. Một cuộc thi có tên gọi là “Siêu sao Việt Nam” cũng lặn mất tăm sau một lần tổ chức vào năm 2009 với nhiều scandal hơn là thành quả. "Hợp ca tranh tài", một cuộc thi có bản quyền từ nước ngoài sau khi kết thúc khá nhạt nhẽo vào mấy tháng trước cũng chưa có kế hoạch lên sóng trở lại, trong khi đó, những cuộc thi như “Sao Mai điểm hẹn”, “Ngôi sao tiếng hát truyền hình”... lại ì ạch trong việc đổi mới để tìm lại ánh hào quang đã mất.


Vietnam Idol đã có BGK khủng để cạnh tranh với các chương trình truyền hình thực tế khác Ảnh TL

Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ của chương trình truyền hình giải trí

Không có lời giải thích nào có thể đủ sức lý giải về sự thất bại của những cuộc thi tài năng nói trên, bởi xét cho cùng, có quá nhiều căn bệnh cần được đem ra để mổ xẻ. Với những khán giả trung thành của American Idol, không quá khó để nhận ra thực tế rằng chương trình này đang dần bị xói mòn theo năm tháng với những chiêu trò đã quá cũ và dễ đoán. Họ cũng chẳng còn thiết tha với những vòng chung kết loại trừ tẻ nhạt thiếu màu sắc dàn dựng sân khấu. Rõ ràng, những đầu tư mạnh tay cho sân khấu không đủ để giúp Idol lấy lại sức hút của mình.

The Voice Mỹ và Anh đánh mạnh vào yếu tố tò mò của người xem ở vòng giấu mặt, nhưng về sau lại mắc phải điểm yếu khác khi quá tập trung vào dàn sao trên ghế giám khảo mà quên đi điều cốt lõi là giúp thí sinh bộc lộ tài năng của mình. The Amazing Race đã được tổ chức đến 21 mùa và gần như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, bởi luôn được đầu tư kịch bản quá công phu và hấp dẫn, và không hề có chuyện người chiến thắng không nhận được sự vỗ tay đồng thuận của người xem.

Đó là chuyện ở quốc tế còn tại Việt Nam, The Voice vừa ra mắt đã gây ấn tượng nhờ dàn giám khảo đình đám và rất mạnh miệng trong việc, "chặt chém" lẫn nhau, điều hiếm tìm thấy ở các cuộc thi khác, nếu nói là diễn xuất thì bộ tứ của The Voice cũng đã diễn xuất... tự nhiên hơn. Chương trình này cũng không quản thời gian để tìm kiếm, lôi kéo những thí sinh sở hữu chất giọng tốt bỏ qua yếu tố "chai mặt" khi tham gia quá nhiều cuộc thi để thử sức lại ở sân chơi này, cộng với khoản tiền thưởng "khủng". Vietnam Idol năm thứ tư chịu chi tiền để mời Mỹ Tâm, một trong những ca sĩ được yêu mến nhất Vpop và không ngại đi khắp cả nước để lôi kéo tất cả những ai có tiềm năng thành Thần tượng Âm nhạc.

Đến cả cuộc thi Đồ-Rê-Mí sau nhiều mùa thi cũng đã mạnh tay cải tiến về chương trình như buộc thí sinh hát live, đào tạo các thí sinh thành ca sĩ nhí thực sự chứ không còn là những nhóc tỳ chỉ biết hát nghêu ngao. Không thể phủ nhận một điều rằng, ngày càng có nhiều chương trình truyền hình xuất hiện, sự cạnh tranh sẽ thêm phần tăng cao. Đồng nghĩa với việc những chương trình mới cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc khẳng định thương hiệu cho riêng mình.

Khán giả giờ đây đã có nhiều lựa chọn hơn trước, nếu chương trình không hợp "gu" thì rất dễ bị rơi vào quên lãng. Đã đến lúc truyền hình phải phục vụ người xem thay vì "cưỡng bức" khán giả, có nhiều hơn sự lựa chọn đồng nghĩa với việc khán giả sẽ khó tính hơn. Nếu so ra các chương trình tại Việt Nam hiện nay đã có xu hướng bắt kịp dần với thế giới, thế nhưng cập nhật vẫn chưa đủ, những nhà sản xuất cần phải biết "Việt hóa" những chương trình quốc tế để phù hợp hơn với văn hóa người Việt, có như vậy mới hy vọng thành công.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình thì rất cần có sự đầu tư đúng hướng. Khi truyền hình và những show thực tế đang đi vào giai đoạn bão hòa, những chương trình tìm kiếm tài năng đều cần phải luôn thay đổi để làm mới mình, chiều lòng khán giả, nâng cao chất lượng. Việc giữ vững truyền thống của mình để tạo nét riêng là một sự cần thiết, thế nhưng nếu thiếu sự hòa nhập và chấp nhận thay đổi theo hướng tích cực, bị đào thải chỉ còn là vấn đề thời gian với bất kỳ một chương trình nào.

\Thủy Liên

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét