Ở vòng liveshow, khi không còn bàn tay biên tập lại, những giọng hát lạ của The Voice Viet Nam đã trở nên rất thường. Người ta bảo đó là do sự yếu kém về đường truyền. Nhưng đã dở thì đừng đổ tại, múa không hay đừng chê đất lệch. Bởi…
Đó là một thực tế. Trong 14 tiết mục của đêm liveshow đầu tiên vừa qua, ngoại trừ phần thi của Hương Tràm, Kim Loan, Nguyễn Thuỳ Linh và Dương Trần Nghĩa, người xem còn có thể nghe được họ hát gì. Còn lại hầu hết các tiết mục là cả một thách thức với người nghe qua truyền hình bởi sự dở tệ của âm thanh. Bảo Anh, thí sinh được đánh giá là hát dở nhất đêm liveshow đầu tiên, ngoài lý do biện hộ đang bị ốm, thì âm thanh nhà đài cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô trở thành “thảm hoạ âm nhạc” như cụm từ mà một số ý kiến trên cộng đồng mạng phong cho cô. Nguyễn Khánh Phương Linh, thí sinh có kỹ thuật chắc chắn và là người chuyên chọn các ca khúc có giai điệu và tiết tấu trúc trắc cũng là nạn nhận của âm thanh truyền hình. Ngày mưa rơi là một ca khúc tiếng Việt, nhưng không ít đoạn người ta không thể nghe được cô gái này hát gì. Thậm chí đến cả huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng, người ngồi tại trường quay, cũng thốt lên như vậy. Thế thì qua sóng truyền hình, chất lượng nghe sẽ đến đâu? Khi được hỏi về chất lượng của đêm liveshow đầu tiên, huấn luyện viên Thu Minh đã lo lắng: “Đêm nay mọi người ngồi ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng này đã chứng kiến và thấy các em hát tốt cỡ nào rồi. Nhưng chỉ lo một điều là đường truyền qua truyền hình sẽ làm giảm đi chất lượng các phần thi của thí sinh. Mong là điều đó sẽ không xảy ra, như vậy thì tội và không công bằng cho các em lắm”. Cái cớ cả Thu Minh lẫn Hà Hồ đưa ra rằng “đường truyền qua truyền hình sẽ làm giảm đi chất lượng các phần thi của thí sinh” là một cái cớ vô lý. Có thể thông cảm cho họ, vì với tư cách là huấn luyện viên, họ sợ thí sinh của mình sẽ bị thua thiệt khi phải hát live trên sóng truyền hình. Nhưng phải thực lòng mà nói, họ không có quyền kêu ca. Bởi nên nhớ The Voice là một show truyền hình thực tế chứ không phải là một liveshow cá nhân. Chương trình được làm ra để cho hơn 80 triệu người dân theo dõi truyền hình xem chứ không phải chỉ để cho vẻn vẹn 3.000 người ở Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo dõi. Hơn nữa, không cần nói cũng rõ, ở trường quay, bao giờ âm thanh cũng được bố trí “rất khủng”, đôi khi công suất của các dàn loa là “quá ngưỡng nghe” của khán giả khiến họ trở nên “điếc tai trong”. Tức là không còn có thể thẩm định được cái hay, cái đẹp của từng giọng hát khi tai mình đã bùng nhùng như muốn… sắp điếc.
Thêm vào đó xét lại sẽ thấy, cũng chung đường truyền, chung cơ sở vật chất, nhưng ở Sao Mai điểm hẹn 2012, kết thúc trước, và Vietnam Idol 2012 đang diễn ra song song với The Voice Vietnam, chất lượng hát live của thí sinh khả quan hơn hẳn. Thực tế trên cho thấy, vấn đề tồn tại duy nhất ở The Voice Vietnam chính là sự non yếu trong chính năng lực hát live của các thí sinh. Bởi bằng chứng là những giọng hát được đánh giá cao như Hương Tràm, Kim Loan hay Dương Trần Nghĩa vẫn hát tròn vành, rõ chữ khi lên sóng truyền hình. Và với lỗi này ,đáng trách hơn ai hết chính là phía đơn vị sản xuất. Bởi trong vòng Giấu mặt và Đối đầu, khi chương trình được ghi hình phát lại, họ đã ra tay thu và mix lại để “thổi” cho một số thí sinh trở nên lạ. Giờ khi lên sóng trực tiếp, khi không còn quyền biên tập nữa, thiết nghĩ họ không có quyền kêu ca về âm thanh, khi chính họ đã không trung thực ngay từ đầu! Màu mè không đúng kiểu? The Voice trước vòng liveshow được khẳng định là sân chơi để tôn vinh những giọng ca đích thực, nhưng giờ đây tiêu chí này đã trở nên méo mó. Bỏ qua chuyện ai xứng đáng hay không xứng đáng đi tiếp, chỉ xin nói về cách dàn dựng sân khấu của liveshow đầu tiên vừa lên sóng. 14 tiết mục đều được dàn dựng hết sức công phu qua bàn tay của đạo diễn có tiếng là “lắm chiêu trò” Trần Vi Mỹ. Nhẹ nhàng thì có múa phụ họa một cho đến vài ba người, như trong các tiết mục của Hương Tràm, Bảo Anh. Áp đảo hơn là đưa cả mớ diễn viên múa phụ hoạ lên sân khấu như trong tiết mục của Trúc Nhân, hay dàn dựng lại khung cảnh của cả một quán bar trong tiết mục của Thuỳ Linh. Nếu xem The Voice ở các phiên bản nước ngoài, sẽ rất khó tìm thấy những dàn dựng công phu như từng thấy ở The Voice Vietnam trong liveshow đầu tiên của vòng chung kết vừa diễn ra. Sự khác biệt này đang tạo nên hai luồng ý kiến trái ngược: Thứ nhất, The Voice Vietnam muốn chơi trội khi dám tung tiền ra đầu tư dàn dựng sân khấu cho từng đêm. Nếu sự đầu tư này là xuyên suốt 10 đêm liveshow của vòng chung kết thì số tiền ngốn vào đây là không nhỏ. Và phải thừa nhận, chính sự dàn dựng này khiến các phần trình diễn trên sân khấu của thí sinh sinh động và bắt mắt hơn. Trái với ý kiến trên là luồng ý kiến thứ hai, không ít người tỏ ra khó chịu về sự chơi trội trên của The Voice Vietnam. Bởi The Voice được khẳng là cuộc thi giọng hát Việt và khán thính giả vẫn khát khao được nghe những ca khúc và giọng hát hay nhiều hơn là nhìn những màn trình diễn mang hơi hướng tạp kỹ. Khán giả cho rằng, phía đơn vị sản xuất chương trình nên suy nghĩ thấu đáo hơn về vấn đề này. Bởi sẽ là thừa khi lạm dụng các chiêu trò sân khấu trong một chương trình vốn có khá nhiều giọng hát “chất” như The Voice Vietnam. Trừ khi chính nhà tổ chức không tự tin vào khả năng thu hút bằng giọng hát của các thí sinh mình đang sở hữu? Câu hỏi này, chỉ nhà sản xuất The Voice Vietnam là rõ hơn ai hết. Theo: vtc
0 nhận xét:
Đăng nhận xét