Nhạc sĩ Phương Uyên trong buổi họp báo. 1. Cuối cùng thì nhà sản xuất lẫn nhạc sĩ Phương Uyên, đã thừa nhận đoạn clip gần 8 phút 30 giây xuất hiện trên mạng Internet vào đêm ngày 9/9/2012, có nội dung tố cáo những sắp đặt diễn ra trong chương trình "nửa thi thố ca hát, nửa gameshow mua vui" đang khiến đám đông điên đảo mang tên The Voice - Giọng hát Việt là sự thật.
Phương Uyên nói, đại ý "Đoạn clip là thật, nhưng được cắt ghép. Có người đang cố tình hãm hại tôi".
Ông chủ của chương trình bảo, đại khái "Sẽ báo cáo cơ quan chức năng để sớm lôi kẻ tung clip ra ánh sáng của chân lý".
Những huấn luyện viên (HLV) của The Voice phụ họa, "Có cần thiết phải ép nhau vậy không?".
Còn các thí sinh của The Voice vội vã "Chị Phương Uyên ở lại với chúng em".
Không lạm bàn về những chi tiết gay gắt, được cập nhật ầm ĩ trên các trang mạng tại buổi họp báo giữa nhà sản xuất chương trình The Voice, các HLV, thí sinh và những phóng viên chuyên trách mảng văn hóa văn nghệ. Cũng không lạm bàn về nước mắt hay chuyện đi - ở trong vai trò Giám đốc âm nhạc của Phương Uyên.
The Voice - Giọng hát Việt, đơn thuần là một cuộc chơi mang sắc thái của sự hào hứng, tươi mới. Kiểu như, Vietnam Idol trước đây đã có được trong mùa đầu tiên. Đã là cuộc chơi, thì mọi thứ phải tuân thủ theo một trật tự sắp xếp đúng nguyên tắc của người tạo ra cuộc chơi.
Trên thực tế, dư luận luôn hồ nghi vào yếu tố trung thực trong tất cả các cuộc thi được truyền hình trực tiếp. Nhưng, ở những chương trình ấy, dư luận không có bằng chứng. Với The Voice, họ đã có bằng chứng. Đây là điều khiến scandal của The Voive trở nên rực rỡ. Một khi đám đông khẳng định được sự hồ nghi là chính xác, thì phản ứng đương nhiên là cực kỳ dữ dội.
Bất chấp chuyện dàn dựng có đúng chính xác tuyệt đối như đoạn clip đã tố cáo ấy loan tin hay không, họ lập tức kêu gọi tẩy chay The Voice. Có những trang mạng đả kích Phương Uyên rất khủng khiếp.
Cả giận nên quên mất rằng, mình Phương Uyên không thể làm được tất cả mọi chuyện. Muốn lừa hàng triệu khán giả xem chương trình, cần thiết phải có hẳn một ê-kíp. Cái rủi của Phương Uyên bởi chị chính là trung tâm của đoạn clip ấy.
Cái may của The Voice, là dư luận chỉ chăm chăm vào Phương Uyên để đưa ra những điều nghi vấn tiếp theo.
Dẫu sao, thì hình ảnh của Phương Uyên xuyên suốt scandal The Voice, dễ khiến cho người ta có cảm giác liên tưởng đến… vật tế thần.
2. Phương Uyên vừa trả lời phỏng vấn trên một trang báo mạng, trang báo này trước đây phản ứng vụ lộ clip dàn xếp tại The Voice rất gay gắt. Phương Uyên lại vẫn câu nói cũ "Biết người hãm hại mình là ai".
Tôi rất trân trọng tài năng của Phương Uyên, nhưng vẫn muốn đưa ra nhận định, Phương Uyên đã không tập trung vào mấu chốt của vấn đề. Mà điều này, không phải chỉ riêng Phương Uyên, nhà sản xuất lẫn các HLV, thí sinh của The Voice đang cố biến Phương Uyên thành nạn nhân của một cuộc trả thù. Tiếc rằng, đám đông không quan tâm đến chuyện cá nhân Phương Uyên, họ chỉ muốn biết, cảm xúc của họ đã được ê-kip thực hiện chương trình xỏ mũi dắt đi như thế nào(?).
The Voice đã đánh mất cảm xúc từ đám đông. Xem một chương trình không cảm xúc, ắt rất ít người đủ kiên nhẫn.
Phương Uyên lẫn những người bênh vực Phương Uyên đã quá yếu ớt trong cuộc chiến chống lại đoạn clip dài chưa đến 8 phút 30 giây.
Trong scandal này, họ không phải là người chủ động. Giả như, nếu nhà sản xuất The Voice, có gửi đơn trình báo yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra, để đưa người tung đoạn clip tố cáo ra công luận thì Phương Uyên và The Voice vẫn không lấy lại được niềm tin.
Kiểu như, "Thưa tòa, nếu nó không trình báo em ăn cắp chiếc xe đạp, thì chắc chắn em đã không bị bắt giữ và hôm nay đứng trước tòa. Nó thù em vì có lần nó tỏ tình với em mà em không chịu". Không ai quan tâm đến người quẳng clip ấy lên mạng. Cái mà dư luận quan tâm là bao nhiêu phần trăm trong nội dung của đoạn clip là thật. Vô tình hay hữu ý, mà Phương Uyên giúp đám đông giải mã về sự hồ nghi ấy.
"Vấn đề liên quan đến Giám đốc âm nhạc Phương Uyên, Ban tổ chức xin nói lại cho rõ: Trước cuộc họp báo, chúng tôi đã có cuộc họp. Ban tổ chức đã tiếp nhận nguyện vọng của Phương Uyên xin rút khỏi vai trò Giám đốc âm nhạc trong chương trình. Và nhạc sĩ Hoài Sa đồng ý đảm nhận vai trò mới này. Tuy nhiên, trong buổi họp báo, nhiều sự kiện đã diễn ra bất ngờ theo những chiều hướng khác: báo chí mong muốn có kết luận ngay thời điểm đó từ Ban tổ chức. Vì vậy, cùng với diễn biến thực tế tại cuộc họp báo, cộng với sự trao đổi nhanh với các thành viên khác của Ban tổ chức, chúng tôi đã có quyết định: Trước mắt vẫn giữ Phương Uyên tiếp tục nắm vai trò Giám đốc âm nhạc của chương trình với mong muốn tạo cơ hội cho Phương Uyên chứng minh sự công tâm, minh bạch và tài năng của mình trong chương trình" (trích Thông cáo báo chí của The Voice về phần liên quan đến Phương Uyên).
Việc Phương Uyên đi hay ở lại chương trình đã không còn là vấn đề nghiêm trọng, sao cũng được. Quá khó để Phương Uyên có thể minh chứng sự "minh bạch" của mình bởi những "cảnh cắt ghép" nhưng "lại có thật" xuất hiện nhan nhản trên các trang thông tin mạng.
Trong thông cáo được phát đi đến giới truyền thông của The Voice, còn có nhiều đoạn xoa dịu, đãi bôi khác không cần phải trích dẫn.
Tự dưng tôi có cảm giác, The Voice đã túm được cái may trong cái rủi. Phương Uyên trở thành lá chắn cho toàn bộ ê-kip thực hiện The Voice. Họ vẫn an ủi, lên tiếng ủng hộ Phương Uyên, nhưng họ đã nhanh chóng phủi sạch những gì liên quan đến mình. Họ không thừa nhận, họ có chọn thí sinh theo sắp xếp đã nêu trong kịch bản hay không?
Họ không thừa nhận, họ có đánh lừa cảm xúc của khán giả xem đài bằng những màn hỉ nộ ái ố giả tạo không?
Họ bàng quan ngoài scandal của chính họ, và họ an ủi Phương Uyên với tư cách "một con ngựa đau...". Họ khiến dư luận quên mất rằng, một tay Phương Uyên không thể làm tất cả. Nói thì cứ nói thôi, miệng liền tai, có ai cấm. Dân gian đã đúc kết "Nói một đằng làm một nẻo" mà.
Nhà sản xuất chương trình The Voice là Công ty Cát Tiên Sa. Cát Tiên Sa là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh các gameshow, chương trình giải trí. Hầu như, những chương trình truyền hình thực tế đình đám nhất tại Việt Nam hiện nay đều là của Cát Tiên Sa. Với sự am tường về thể loại truyền hình này, tôi không tin rằng Cát Tiên Sa để cho Phương Uyên muốn làm gì thì làm.
Thí sinh Quỳnh Trang. 3. Chắc chắn The Voice sẽ được gấp rút xây dựng một kịch bản khác để phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại. Còn kịch bản mới có được sắp xếp hay không, thì rất khó để đưa ra nhận định trước. Tôi nghĩ rằng, một người đã là nhà kinh doanh thì cho dù ở bất cứ món hàng nào tại bất kỳ thời điểm nào, điều tiên quyết nhất là họ phải đảm bảo phần thua thiệt không nằm về phía họ để đảm bảo về mặt lợi nhuận. Ngoại trừ, một vài trường hợp đặc biệt nguy nan.
Nếu xem The Voice sau scandal, khán giả sẽ được chiều chuộng về cảm xúc. Có lẽ, chưa bao giờ ê-kip thực hiện chương trình The Voice muốn chiều chuộng cảm xúc của đám đông như thế nào. Đang ở vai trò chủ động, chỉ vì cái đoạn clip ngắn, họ đã phải nhún mình xuống vị trí thụ động….
Nhà sản xuất chương trình The Voice, đã tính đến việc mở tổng đài tin nhắn để nhận tin nhắn bình chọn của khán giả dành cho thí sinh mà khán giả yêu thích trong các đêm thi phát sóng trực tiếp. Nhiều chương trình trước The Voice đã làm điều này, như: Bước nhảy Hoàn vũ hay Cặp đôi Hoàn hảo… Không cần quá am tường về toán học, làm một phép tính nhanh về cước phí/tin nhắn nhân cho tổng số vài mươi nghìn tin nhắn/đêm (theo công bố thường được nghe thấy từ phía nhà sản xuất chương trình - NNH) sẽ thấy số tiền sinh ra từ "tổng đài bình chọn" lớn đến mức nào.
Từ scandal này, dư luận có quyền đặt ra sự hồ nghi về tính trung thực, khách quan của tổng đài tin nhắn. The Voice quá khó để có được niềm tin của khán giả vào những tuyên bố về tỷ lệ tin nhắn bình chọn của khán giả dành cho thí sinh, số tin nhắn mà thí sinh nhận được. Nếu nhà sản xuất The Voice vẫn mở tổng đài tin nhắn, còn ai tốn tiền cước phí điện thoại để nhắn tin bình chọn cho thí sinh không(?). Hẳn nhiên là còn, vì thí sinh nào không có gia đình, người thân và bạn bè.
Tôi sẽ dừng lại phần bình luận về scandal của The Voice tại đây, nghĩ bấy nhiêu đã là đủ. Không nên đẩy cao trào đi quá xa. Tôi chỉ thấy ngại ngùng cho những nhân vật nổi tiếng giữ vai trò làm HLV trong The Voice, hóa ra chỉ ngồi vào chiếc ghế ấy để gật, lắc, khóc, nhăn mặt, khoe nhẫn kim cương và… nhận tiền cát-sê, hoàn toàn không có quyền quyết định gì cả.
Họ cứ như, một món trang sức của The Voice. Nhiều phóng viên viết bài, đại ý bảo họ nợ khán giả một lời xin lỗi.
“Về vấn đề thí sinh Quỳnh Trang cướp micro phát biểu: Đây là một sự thiếu kinh nghiệm của một bạn thí sinh trước việc ứng xử với báo giới. Quỳnh Trang bày bỏ những bức xúc khi bị nhắc đến trong video clip kèm những bằng chứng có liên quan để tạo scandal. Điều đó đã dẫn đến việc mất bình tĩnh trong hành động. Chúng tôi đã có lời nhắc nhở nghiêm túc tới thí sinh Quỳnh Trang. Thay mặt chương trình, Ban tổ chức cũng gửi đến lời xin lỗi và mong nhận được sự cảm thông”. (Trích Thông cáo báo chí của nhà sản xuất chương trình The Voice).
Không nên trách Quỳnh Trang về chuyện này, bởi vài cá nhân vẫn thường trở nên ảo tưởng về những lời ca tụng theo lối “phá giá”, đầy tính huyễn hoặc của một ai đó dành cho mình.
Hơn nữa, truyền thông săm soi thí sinh của The Voice kỹ quá. Lắm lúc, họ tưởng mình đã trở thành người của công chúng, kiểu như các HLV của họ đã có được.
Điều quan trọng hơn, cách hành xử của cá nhân phụ thuộc vào sự giáo dục của gia đình, nhà trường. Đó không phải chuyện một sớm một chiều hay tự dưng mà có được, nếu không học hành đàng hoàng và tử tế.
Song song với nhà sản xuất chương trình, VTV cũng đã phát đi thông cáo báo chí, khẳng định rất rõ ràng: “Không cho phép dàn xếp kết quả, tác động đến kết quả của bất cứ cuộc thi, cuộc chơi nào trên truyền hình...”.
Cục Biểu diễn Nghệ thuật vừa có yêu cầu gửi nhà sản xuất The Voice giải trình về vụ lùm xùm quanh đoạn clip tố cáo này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét