Vietnam Idol: Thế nào là một thần tượng âm nhạc?

Với hàng trăm cuộc thi về âm nhạc chuyên và không chuyên diễn ra khắp nơi trong cùng một thời điểm, các thí sinh làm thế nào để bứt phá trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong lòng công chúng, hay chỉ cần sáng chói trong một đêm diễn rồi biến thành “thảm họa” ở đêm tiếp theo?

Phần đông các bạn trẻ ngày nay đều có nhu cầu thể hiện tài năng thông qua môi trường “truyền hình thực tế”. Và điều họ mong muốn nhất là làm sao để nổi tiếng cho nhanh, làm sao để trở thành một “hiện tượng xã hội” như Uyên Linh – quán quân Vietnam Idol mùa trước.

Chính vì tư tưởng dễ dãi như thế mà không ít những người có tài năng hoặc tài năng chỉ ở mức tương đối sẽ chọn con đường “nhảy cóc” trong âm nhạc để vươn tới thành công: Tạo scandal, cặp kè với các ông chủ sản xuất âm nhạc, sẵn sàng chạy theo dòng nhạc thị trường – phá bỏ cá tính âm nhạc của mình…

Tiêu chí xác định "Thần tượng âm nhạc" là gì?

Trở lại với hai đêm hát live của Vietnam Idol, một điều có thể dễ dàng nhận ra là sự đồng đều ở các giọng hát, chưa có nhiều cá nhân thực sự bứt phá, nổi bật, làm khán giả phải thổn thức và cảm thấy được thăng hoa bởi sự truyền cảm của chất giọng. Có thể tạm chấp nhận điều này bởi vì Vietnam Idol vẫn còn rất nhiều vòng thi để các thí sinh thể hiện cá tính âm nhạc của mình, nhưng điều khán giả muốn biết từ bây giờ là: Tiêu chí gì để chúng ta xác định thế nào là một “Thần tượng âm nhạc” ?

Nếu “Thần tượng âm nhạc” là người có thể truyền cảm hứng đến với mọi người, khiến cho khán giả cảm thấy tin yêu nhiều hơn vào cuộc sống này thì thần tượng ấy ngoài giọng hát thiên phú, cần phải có cả phong cách đặc biệt – sáng tạo và đặc biệt là phải thu hút được công chúng bởi khả năng giao tiếp của mình.

Ya Suy – thí sinh chiếm rất nhiều cảm tình của đông đảo khán giả Vietnam Idol bởi sự chân chất và chất giọng vẫn còn nguyên sơ của anh, nhưng ngoài điều đó ra có vẻ như Ya Suy không có nhiều thế mạnh để tiến đến tận cùng một cuộc thi đòi hỏi quá nhiều yếu tố (50% biểu diễn 50% giọng hát) dành cho một thần tượng. Trong khi đó, bên phía nữ thì đã xuất hiện một “thần tượng” (nhưng không thực sự có thế mạnh về chuyên môn) đó là Nguyễn Hương Giang . Cô đã trở thành một thần tượng của nhiều khán giả bởi nghị lực, sự dũng cảm và khả năng truyền cảm hứng đến cho nhiều người đang gặp trắc trở trong cuộc sống giúp họ vượt qua nó.

Vietnam Idol khác với The Voice là như thế. Với mùa đầu tiên, nhìn bề ngoài thì The Voice đang thắng thế bởi sự hào nhoáng, phô trương và mới lạ nhưng chưa chắc The Voice sẽ hơn Vietnam Idol ở tính chuyên nghiệp. Nếu hiểu chuyên nghiệp ở đây là giữ đúng giá trị - tinh thần của chương trình nguyên bản nhưng vẫn trẻ trung và sáng tạo với những tiêu chí riêng của người Việt Nam chúng ta thì có vẻ Vietnam Idol đang nhỉnh hơn.

Có lẽ rất nhiều người đã quá quen thuộc với tên tuổi của Jay Chou (ca sĩ – nhạc sĩ người Đài Loan). Cũng được phát hiện từ một cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng chính cá tính âm nhạc và câu chuyện tuyệt vời về những nỗ lực trong cuộc sống từ chính bản thân anh mới là nguyên do anh trở thành thần tượng của hàng triệu người trên thế giới. Jay Chou từng nổi tiếng với tuyên bố là “không cần hát tiếng Anh vẫn có thể thành công” khi mà trào lưu sính ngoại trở thành một “phong cách mới” của giới trẻ Trung Quốc vào cuối thập niên 90 (như The Voice Vietnam bây giờ).

Quán quân của Vietnam Idol mùa thứ nhất Phương Vy cũng gặt hái khá nhiều thành công khi bước ra từ sân chơi này. Thời đó, Phương Vy khá may mắn vì được tham gia vào một cuộc thi hoàn toàn mới lạ tại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên người người nhà nhà đều sa vào tâm lý cạnh tranh bằng nhắn tin bình chọn. Khi khán giả được trao quyền “sinh sát” trong tay, họ chắc chắn là sẽ háo hức để sử dụng nó. Thần tượng âm nhạc vào thời điểm đó đã bước ra ngoài đời sống hoàn toàn dựa trên ba tiêu chí: Ca sĩ có hình thể đẹp, trình diễn tốt trên sân khấu, bài hát hợp với thị hiếu người nghe.

Đến mùa của Uyên Linh cũng là thời điểm Internet bùng phát ở mức tối đa tại Việt Nam. Khán giả trên mạng xã hội chính là người quyết định tiêu chí “Thần tượng âm nhạc” cho Việt Nam. Tiếp nhận từ những cái đẹp, hay của American Idol, khán giả Việt Nam đã đòi hỏi nhiều hơn vào thần tượng âm nhạc 2011 mà đòi hỏi lớn nhất chính là chất giọng và khả năng truyền cảm hứng của ca sĩ.

Khán giả muốn được thưởng thức âm nhạc của sự văn minh

Để Vietnam Idol tiếp tục tồn tại và giành được cảm tình người hâm hộ (không bỏ sang The Voice để tìm kiếm sự mới lạ), không còn cách nào khác là các thí sinh phải hoàn thiện mình về chất giọng lẫn khả năng biểu diễn. Muốn trở thành một thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012, các thí sinh phải luôn thanh lịch – nổi bật trước báo giới và người hâm mộ. Bên cạnh đó, các thí sinh phải thể hiện được tính văn minh trong phong cách âm nhạc của mình. Khán giả không muốn nhắm mắt lại khi nghe Ya Suy hát cũng như không muốn phải phân tâm khi nhìn các ca sĩ nữ uốn éo – khiêu gợi trên sàn diễn mà không thưởng thức được bài hát đó.

Nhìn ở khía cạnh tích cực thì Vietnam Idol đang có một vị trí nhất định trong lòng khán giả yêu nhạc. Họ đã quá ngán ngẩm các band, người đẹp hát hay những hiện tượng Youtube… không có tài năng đích thực đầy rẫy hiện nay. Khán giả cần thấy ánh sáng - một sự bùng nổ của thị trường âm nhạc từ các cuộc thi như Vietnam Idol. Họ cần được truyền cảm hứng từ một thí sinh nào đó, người có thể đánh thức tâm hồn.

Tóm lại, Thần tượng âm nhạc trong lòng khán giả không cần phải là một người hoàn hảo về mọi mặt mà phải là một người có thể mang đến cho cuộc sống những điều tích cực bằng tài năng đích thực và con đường âm nhạc chân chính mà họ đã chọn.

>> Xem toàn bộ tin bài The Voice tại đây


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét