Khó khăn lớn nhất ở thử thách này là các thí sinh phải vừa thể hiện cá tính âm nhạc riêng của mình nhưng cũng đảm bảo sự hòa quyện trong những phần kết hợp bởi tính chất của một bài hát song ca là góp phần nâng hai giọng hát cùng thăng hoa lên chứ không để "cái tôi" quá lớn. Liệu các thi sinh có làm được điều này?
Tiết mục song ca hay nhất là khi giọng ca của hai người hòa quyện, nâng đỡ, tôn vinh nhau. Tuy nhiên, đây là một cuộc thi, nếu “nhân nhượng” với đối thủ thì ta “chết” và ngược lại. Đó là quan điểm và là tâm lý chung của các thí sinh trong những cuộc thi phiên bản Việt, điển hình là cuộc thi Giọng Hát Việt vừa rồi.
Nếu thí sinh phiên bản nước ngoài song ca “quyện” đến đâu thì thí sinh Việt “chặt chém” nhau đến đó, cứ ngỡ nếu ta hát nhỏ một xíu, hay nhường cho đối thủ hát hay hơn một câu thì ban giám khảo sẽ chẳng chọn mình. Chính vì thế, khán giả “được” chiêm ngưỡng những tiết mục “gào thét” đầy thảm họa và không ít người bị giật mình nếu không kịp điều chỉnh âm lượng, trong khi ban giám khảo vẫn không ngớt lời khen (?).
Khoan bàn tới chuyện có lẽ người xem tivi và người ở trường quay chẳng thể hiểu được nhau, vấn đề ở đây chính là vì tâm lý “sợ”: sợ người ta hơn mình, sợ mình yếu thế, sợ mình lép vế… mà các thí sinh đã vô tình đánh mất mình, phong độ không ổn định và giọng hát thì ngay cả khán giả trung thành nhất cũng chẳng còn nhận ra (!).
Liệu các thí sinh có giữ được phong độ?
Với những kinh nghiệm ai cũng có thể rút ra được sau “vết xe” Giọng Hát Việt, khán giả có quyền hy vọng những màu sắc riêng của Top 4: Bảo Trâm, Hoàng Quyên, Yasuy, Hương Giang sẽ được giữ vững và tỏa sáng rực rỡ nhất khi kết hợp cùng nhau. Ai biết được sân khấu Vietnam Idol thứ 6 tuần này sẽ là nơi nghệ thuật thăng hoa hay “chiến trường khắc nghiệt”?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét