Truyền hình thực tế (THTT) là thể loại chương trình truyền hình miêu tả thực những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không sắp đặt trước. Nhân vật chính trong các kênh truyền hình thực tế thường là những người chưa nổi tiếng hoặc khán giả tham dự chương trình.Từ sự xuất hiện của Phụ nữ thế kỷ 21 năm 2006, THTT đã dần trở nên quen thuộc với khán giả bởi hàng loạt chương trình được sản xuất. Năm 2012 được cho là một năm nở rộ của THTH về cả số lượng và thể loại. Tuy nhiên sự phát triển này đồng thời lại kéo theo rất nhiều điều tiếng và khiến cho một bộ phận khán giả quay lưng lại với THTT.
Số lượng không đồng hành với chất lượng
Tại Việt Nam, các chương trình THTT thu hút được nhiều khán giả đều được mua bản quyền từ các chương trình nước ngoài. Thể loại tìm kiếm tài năng vẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu với hàng vạn thí sinh tham dự và được phát sóng vào những “khung giờ vàng”.
Có thể kể đến những Vietnam Idol, The Voice – Giọng hát Việt ở mảng âm nhạc. Sân chơi dành cho những thí sinh có ước mơ đứng trên sàn catwalk là VietNam’s Next Top Model. Ở thể loại nhảy múa có So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy. VietNam’s Got Talent là chương trình tìm kiếm tổng hợp các tài năng. Dành riêng cho thí sinh nhỏ tuổi có Đồ Rê Mí. Những chương trình có người nổi tiếng tham dự như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… đều nhận được sự quan tâm lớn của khán giả.
VietNam’s Next Top Model Bên cạnh đó, một loạt những chương trình đa dạng khác đều được mua bản quyền và Việt hóa cho phù hợp với thị hiếu khán giả như Hợp ca tranh tài (đào tạo đội hợp xướng), Hãy xem tôi diễn (mảng điện ảnh), Cuộc đua kỳ thú (Amazing race), Tôi là người dẫn đầu, Camera giấu kín… Những chương trình này đóng vai trò gia vị, làm phong phú thêm cho bàn ăn THTT vốn đã đầy chật.
Không thể phủ nhận, THTT đóng vai trò quan trọng trong đời sống giải trí của công chúng và đem đến những cách nhìn đa dạng hơn về giới showbiz. Các cuộc thi tuyển của Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent… có tới hàng vạn thí sinh đăng ký tham gia. THTT tạo ra môi trường cho các thí sinh được học hỏi và cọ xát các ngành nghệ thuật khác nhau, bên cạnh đó là cơ hội được nổi tiếng. Các chương trình THTT đã góp phần khám phá ra nhiều tài năng như Uyên Linh Idol, Văn Mai Hương, Đăng Quân và Bảo Ngọc (Vietnam’s Got Talent), Lâm Vinh Hải (Thử thách cùng bước nhảy)…
Đăng Quân - Bảo Ngọc của VietNam's Got Talent
Tuy nhiên, vẫn với một số lượng người như vậy nhưng lại có quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng thì tất cả đều bị chia nhỏ: sự quan tâm của công chúng, số lượng thí sinh có tài thực sự ở mỗi cuộc thi, sự nổi tiếng sau các chương trình… Có thí sinh thất bại ở cuộc thi này lại tiếp tục đăng ký ở cuộc thi khác và tạo nên những “gương mặt quen thuộc” với khán giả truyền hình.
Bên cạnh thí sinh thì ban giám khảo là thành phần không thể thiếu trong các chương trình thực tế. Tuy nhiên, số lượng những người đủ chuyên môn và cá tính để đảm nhiệm vị trí giám khảo tại Việt Nam là không nhiều. Ở thể loại nhảy/múa, kiện tướng dancesport Chí Anh “xoay vòng” làm giám khảo cả Bước nhảy hoàn vũ và Thử thách cùng bước nhảy. Ở thể loại âm nhạc là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Quốc Trung, Huy Tuấn… Những nhận xét nhạt nhẽo của Đàm Vĩnh Hưng hay Trần Lập ở Giọng hát Việt được cộng đồng mạng gọi là “thảm họa giám khảo”. Ở Vietnam’s Next Top Model, những nhận xét khô cứng, khuôn mẫu của Xuân Lan ở cả 3 mùa giải khiến khán giả chán ngán.
The Voice - Giọng hát Việt THTT có thể ví như bàn ăn với nhiều món ngon nhưng lại có không ít sạn. The Voice – Giọng hát Việt là tâm điểm của báo giới trong năm qua với nghi án lộ kết quả, giám đốc âm nhạc Phương Uyên có quan hệ tình cảm với thí sinh. Ca sĩ Phương Thanh bóng gió về sự không công bằng của Bước nhảy hoàn vũ. Sự cố Quỳnh Anh (Vietnam’s Got Talent) với việc BTC biên tập lại hình ảnh và âm thanh…
Một chương trình ra đời, phát sóng trên truyền hình là phục vụ khán giả nhưng với hàng loạt scandal, sự xoay vòng thí sinh và sự nhạt nhẽo của giám khảo đã khiến công chúng mất niềm tin và dần quay lưng lại với THTT.
Truyền hình thực tế 2013 vẫn nở rộ?
Nhu cầu thưởng thức và giải trí của khán giả lúc nào cũng có, chính vì thế mà các chương trình THTT dù có lộn xộn nhưng vẫn có khán giả theo dõi. Trong năm 2012, THTT cũng tạo ra được một số chương trình “sạch sẽ”, không tai tiếng ồn ào, không scandal mà vẫn có khán giả theo dõi. Tuy nhiên, đó chỉ là những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh toàn cảnh về sự bùng nổ của THTT trong năm qua.
Nổi bật là So you think you can dance – Thử thách cùng bước nhảy. Dù không nhận được nhiều sự chú ý của công chúng ngay từ đầu bởi nghệ thuật nhảy/múa vẫn là bộ môn còn khá mới ở Việt Nam nhưng qua từng tập phát sóng, chính nghị lực, đam mê, khát khao chinh phục bản thân của thí sinh đã thu hút khán giả đến với chương trình.
Thử thách cùng bước nhảy Dù không quá ồn ào nhưng các show mạo hiểm cũng để lại nhiều ấn tượng tốt. Được mua bản quyền từ Amazing Race, Cuộc đua kỳ thú đã cuốn hút người xem bằng những thử thách khó khăn nhưng vượt lên là tinh thần thi đấu hết sức của người chơi. Chương trình cũng là chặng đường khám phá nhiều kiến thức về đất nước và con người Việt Nam.
Cuộc đua kỳ thú Dù lượng người xem của những chương trình này không nhiều, sự quảng bá chương trình cũng không rầm rộ nhưng sự yêu mến của khán giả cho thấy sự khả quan của THTT trong thời gian tới.
Tiếp tục được “nhập khẩu” về Việt Nam, hàng loạt các chương trình nổi tiếng thế giới như X-Factor, Master Chef, The Voice kid… sẽ lên sóng truyền hình trong năm 2013. Bản thân Format của chương trình không tạo nên sự nhàm chán, không tạo nên scandal mà tất cả phụ thuộc vào tài năng và cái tâm của nhà sản xuất. Liệu có thể hy vọng trong năm 2013, THTT sẽ có bước đổi khác và gây dựng lại được niềm tin đối với công chúng?./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét