Nhạc Việt, 365 ngày...


The Voice - một trong những cuộc thi âm nhạc “đình đám” nhất năm 2012 - Ảnh: Gia Tiến

Thị trường nhạc Việt đang đối diện với một tình trạng của hai thái cực: các ngôi sao "lão làng" thì đầy buồn chán, còn những "tài năng" mới thì non cạn. Các danh tiếng của cuối thập niên 1980, 1990... vẫn làm rùm beng, hình ảnh căng lớn ở nhiều tụ điểm nhưng nếu không lặp lại các bài hát đã quá mòn mỏi thì cũng chỉ là bắt chước một chút gì đó hôm nay để "hợp thời".

Ngược lại, các "tài năng" trẻ đầy sung sức thì tung ra vô vàn album mới, chạy theo thị hiếu nhạc Hoa cũng có, nhạc Hàn cũng có, nhưng nội dung và bản sắc riêng thì... bùng lên và biến mất như pháo bông ở khu giải trí.

Các ngôi sao cũ không dám đẩy mạnh cho sự nghiệp riêng như thời kỳ mới vào nghề, họ sợ đi chệch các đại lộ thương mại sẽ bị lãng quên và thất bại. Bắt chước và nhập vào dòng chảy chung thì họ bị mờ nhạt. Chiếc bình cũ từng lộng lẫy nhưng rượu đã nhạt. Trong khi đó, thế hệ mới ít có ai dũng cảm tách dòng, chọn một lối đi riêng cho mình hoặc không đủ sức sáng tạo một điều mới mẻ thật sự.

2. Tràn ngập truyền hình là các cuộc thi âm nhạc, game show, chương trình biểu diễn... Trong vòng một năm, nhạc Việt tiếp nhận vô số gương mặt mới, được giới thiệu và ca ngợi như những niềm hi vọng mới của âm nhạc ngày mai. Nhưng cũng chỉ một con trăng, những cái tên khác lại thay thế rồi cũng phai nhạt theo cùng thời lượng như vậy. Ở cổng các sân khấu ca nhạc bình dân, người ta nhìn thấy poster của vô số ca sĩ mới toanh được treo lên và gỡ xuống liên tục. Thậm chí để nhắc khán giả nhớ, các ca sĩ còn chọn cách gắn liền tên mình với cuộc thi như X Idol, Y The Voice...

Không đơn thuần là gương mặt, dòng chảy thương mại đang sản xuất hàng loạt ca sĩ na ná giọng hát như nhau, những lối trang phục như nhau, và vô số bài hát gọi là "đỉnh" như nhau. Âm nhạc Việt giờ đây với lời hát ê a, nhịp điệu tân kỳ... có vẻ như rất phát triển, nhưng nếu chỉ cần thay ngôn ngữ, có thể lầm tưởng đó là các bài nhạc Hoa hay nhạc Hàn. Nó giải thích vì sao nhạc Việt khuynh hướng underground vẫn được ưa chuộng bởi tối thiểu đó là những nghệ sĩ cá tính, mạnh mẽ và nhiều chất riêng.

3. Không ít khán giả ngán ngẩm nói rằng dường như nhạc Việt đang sống bằng thị phi chứ không sống bằng sáng tạo nghệ thuật. Nhưng đâu phải là các cá nhân vô tình hay tự dựng thị phi cho mình. Ngay cả các trò chơi lớn, cuộc thi truyền hình cũng đã chuẩn bị cho mình các kịch bản thị phi chỉ nhằm thu hút khán giả. Cả các "sao Việt" cũng hứng thú với thị phi. Có ca sĩ và người mẫu công khai nhìn nhận rằng chính thị phi đã giúp đẩy cô lên một tầm cao mới. Có người mẫu phát đi các thông cáo báo chí, không quên chú thích trang phục trong ảnh gửi kèm, nhắc rằng chiếc váy trị giá 40.000 USD, túi xách 2.000 USD... Phải chăng thị phi như một điều không thể thiếu cho việc hóa thành nghệ sĩ, thành "sao"?

Không phải vô tình mà khuynh hướng thưởng thức các dòng nhạc cũ quay trở lại và thắng thế ở các nơi biểu diễn. Rất nhiều người thưởng thức âm nhạc ngơ ngác nhìn một môi trường âm nhạc nhộn nhịp nhưng rỗng cạn nội dung, đã tự cứu chữa tâm hồn mình bằng cách quay về với những giá trị cũ xưa.

365 ngày qua mang lại nhiều bài học, và cũng nhắc rằng chỉ có thể vượt qua những điều tầm thường và nông nổi, nhạc Việt mới có thể cất cánh và thật sự là điểm tựa của công chúng yêu âm nhạc. Nhạc Việt không những phải tự chấn hưng mình, mà còn phải thuyết phục người nghe một lần nữa bằng tài năng và sáng tạo thật sự.

“365 ngày qua mang lại nhiều bài học, và cũng nhắc rằng chỉ có thể vượt qua những điều tầm thường và nông nổi, nhạc Việt mới có thể cất cánh và thật sự là điểm tựa của công chúng yêu âm nhạc”.

Theo Tuổi trẻ


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét