5 sự kiện gây ồn ào nhất với cộng đồng mạng 2012

Hãy cùng nhìn lại những vụ việc từng là điểm nóng trên mạng trong năm qua:
Quỳnh Anh Got Talent và The Voice
Đến bây giờ, có lẽ cô bạn Quỳnh Anh vẫn chưa hết hụt hẫng và sốc trước những gì xảy ra với mình ở đầu năm 2012 trong clip hát Tình mẹ của mình ở Vietnam's Got Talent. Sự tự tin có phần thái quá của Quỳnh Anh và người mẹ của mình trở nên lố trên sân khấu, khiến vụ việc này gây "bão" một thời gian dài.

Page anti cô bạn 15 tuổi này tăng thành viên một cách chóng mặt không chỉ bởi câu chuyện mà còn bởi việc hùa theo đám đông của một bộ phận cư dân mạng. Từ một tình huống xảy ra trên truyền hình đã trở thành một đề tài nóng khắp dư luận, trong khi rõ ràng, ở trong cuộc sống, chuyện bố mẹ tự hào, khen con cái của mình là chuyện dễ dàng gặp.


Mẹ của Quỳnh Anh bảo vệ con gái bằng những lý lẽ, phản bác, thậm chí là viết đơn gửi lên Quốc hội đã khiến cho sự việc ngày càng trở nên gay gắt. Đây là một cuộc tranh cãi không ai muốn xảy ra, vì mẹ của Quỳnh Anh đơn giản là muốn bảo vệ con gái trước sức ép quá lớn từ dư luận, còn cư dân mạng - những người không phải là người trong cuộc thì ra sức "ném đá". Nhìn nhận lại sự việc, Quỳnh Anh là người chịu nhiều tổn thương nhất trong vụ việc không lường trước này. Yêu thương không đúng cách của một người mẹ và việc "ném đá" quá lớn từ phía dư luận. Bạn thấy điều nào đáng trách hơn?

Hết Vietnam’s Got Talent, đến mùa hè năm nay, The Voice lại là show truyền hình mới gây ầm ĩ trên mạng. Những câu chuyện lùm xùm trong hậu trường của The Voice và đặc biệt là scandal của Phương Uyên đã thực sự trở thành những cơn bão lớn khuynh đảo cộng đồng mạng Việt Nam.


Từ tung hô, ca ngợi cho đến ném đá, mỉa mai chỉ trong một thời gian ngắn là thái độ của dân mạng trước những diễn biến của show này. Thái độ của người xem The Voice phụ thuộc khá nhiều vào đám đông là những gì có thể kết luận từ những gì diễn ra trên mạng trong suốt một thời gian dài. Thí sinh có thể được yêu mến vào ngày hôm nay, nhưng ngày mai nếu có việc gì xảy ra, cư dân mạng sẵn sàng quay lưng, ngày hôm qua bảo yêu Hà Hồ nhưng ngày hôm nay lại dễ dàng thấy những ý kiến ném đá. Một người quay lưng là có thể kéo theo nhiều người quay lưng. Vì vậy, đến bây giờ, nhiều ý kiến cho rằng, không biết thí sinh nào mới được yêu quý nhất The Voice, The Voice trong lòng cư dân mạng giờ thật khó đoán.

“Nạn câu like” phản cảm trên FB

Tiếp diễn từ cuối năm 2011, đến năm 2012, "nạn câu like" trở nên rầm rộ, nhức nhối. Facebook trở thành nơi để những cá nhân thiếu ý thức trục lợi riêng bằng những hình thức "nhảm nhí”, khiến không ít cư dân mạng phẫn nộ.

Nhan nhản việc lấy những bức ảnh đáng thương, chết chóc hay “dựa hơi” của một sự kiện nóng hổi nào đó để câu view, câu “like” cho fanpage đã khiến cho facebook có một thời gian trở thành mạng-xã-hội-từ-thiện nửa vời, lộn xộn. Khiến người dùng không những khó chịu và tâm trí bị cuốn vào những việc chẳng đâu vào đâu. Rõ ràng một cú click chuột cho một nút like trên FB không to tát gì, nhưng nhiều người like thì bức ảnh đó cứ xuất hiện liên tục trên wall cá nhân khiến người dùng khó chịu và bị mất nhiều thời gian.


Rất nhiều facebook-er khi biết được việc câu “like”m câu “view” đã sẵn sàng "Bỏ thích" các fanpage, "Hủy kết bạn" với những cá nhân và lên án hành động này của họ. “Câu like có nhiều cách nhưng xin đừng lợi dụng lòng nhân đạo của cộng đồng mạng để câu điều đó thực sự là một tội lỗi” - Một dân mạng lên tiếng. Nhiều dân mạng gọi vui rằng đây chẳng khác nào một hình thức “ăn xin like”, "cần bố thí like" cả.

Thông điệp của cư dân mạng được truyền đi trước "nạn câu like" nhằm ngăn ngừa hành động này

Kpop Festival và tranh cãi về làn sóng Kpop Fans

Là một chủ đề đã cũ nhiều năm qua, các cuộc tranh cãi về fans Kpop chưa bao giờ đi đến được hồi kết. Năm 2012 nối tiếp và kéo dài các cuộc tranh cãi về Kpop, fan Kpop ở Việt Nam. Đề thi Đại học Khối D đề cập thẳng vào văn hóa thần tượng hay những hành động như khóc vì thần tượng Kpop, bỏ tiền gần chục triệu ra mua vé xem thần tượng hát đã khiến dân mạng sục sôi một thời gian dài. Tuy nhiên, ở cuối năm 2012, cuộc tranh cãi dường như đã có lời kết sau một thời gian dài bàn luận.


Nhiều người cho rằng Việt nam chưa phát triển là vì những thế hệ trẻ đang bận lao đầu vào việc hâm mộ thần tượng được cho rằng là cách nhìn áp đặt, chủ quan. Ý kiến của một cư dân mạng tên là Trần Thăng L. được xem là lời kết cho chủ đề về fans cuồng Kpop ồn ào nhiều năm qua: “Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Mỹ… các cô cậu tuổi teen xếp hàng 48 tiếng chờ thần tượng ngoài sân bay, dành dụm hết tiền ăn sáng vì thần tượng, khóc đến ngất xỉu vì thần tượng, ung thư gần chết cũng chỉ mong có thể gặp thần tượng trước khi nhắm mắt…đầy rẫy.

Nếu tưởng Việt Nam là vô địch fan cuồng, hay cho rằng nó ghê gớm, e là hơi bị lạc quan và thành tích, hoặc quá lười tìm hiểu, hoặc cũng bị bệnh chung của bao người bình thường, rằng đền làng mình là đền to nhất, núi tỉnh mình là núi cao nhất, chỉ đơn giản là chưa thấy chuyện bên ngoài.

Nếu vậy thì nói luôn, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… cũng vậy đó, và mấy chục năm nay là vậy rồi. Mấy chục năm nay họ cũng phát triển kinh tế, cũng suy thoái, cũng giữ gìn an ninh tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ bình thường. Vì ở đâu cũng có các bạn trẻ fan cuồng (…), fan cuồng ở đâu cũng sẽ dần trưởng thành (…) và xếp lại ký ức hâm mộ như những dòng lưu bút của tuổi trẻ…”.

Sau nhiều ý kiến, nhiều lời lẽ và tranh cãi, dần dần, cuộc tranh cãi đã nhường chỗ cho cái nhìn thoáng hơn về Kpop, về thần tượng, về fans Kpop. Rằng Kpop không xấu chỉ là một bộ phận fan làm Kpop xấu đi. Qua những vụ việc ầm ĩ trên mạng xảy ra thời gian vừa qua, cộng đồng fans Kpop cũng nhắc nhở nhau xây dựng “lòng hâm hộ là một nét đẹp văn hóa” như đề thi ĐH khối D năm 2012 đã ra.

"Cơn sốt toàn cầu" Gangnam Style

Sẽ là một thiếu sót nếu như năm 2012 không nhắc đến Gangnam Style, ca khúc sắp chạm mốc 1 tỉ người xem trên Youtube này đã “làm mưa làm gió” trên các mạng xã hội. Hàng loạt các fanpage, hội nhóm, ảnh và từ lóng ăn theo Gangnam Style trên mạng. Các clip cover GangnamStyle xuất hiện liên tục và tỉ lệ người xem "khủng". Việt Nam được xem là một trong những nước hưởng ứng "cơn bão" Gangnam Style sớm nhất.


Sự hấp dẫn của "Gangnam Style" được cho là bắt đầu từ điệu nhảy cưỡi ngựa, đẩy hông và cả sự hài hước mà ở các quốc gia khác hầu hết đều không có khi xem MV ca nhạc.

Đặc biệt "Gangnam Style" còn rất biết cách bắt "mốt" khi sử dụng giai điệu điện tử, hiện là một trong các phong cách âm nhạc được ưa chuộng nhất tại Châu Âu lẫn Bắc Mỹ. Với những yếu tố trên, Gangnam Style hoàn toàn biến thành một bài hát vừa "độc", lạ mà thời thượng và hơn đứt nhiều clip ca nhạc khác có mặt trên thị trường hiện giờ.

Nhiều người không phải là fan Kpop, thậm chí là anti-fan nhưng lại thừa nhận rằng rất mê giai điệu tưng tửng và thần thái của Psy trong Gangnam Style. Nhiều người cho rằng phải lâu lắm rồi, mới có một bài hát làm "ầm ĩ" cả thế giới như Gangnam Style.

Ngày tận thế

Từ năm 2009, sau khi bộ phim 2012 được công chiếu cùng với những mổ xẻ trùng khớp từ lịch của người Maya cổ được đưa thì chủ đề này đã được bàn tán đến nhiều. Năm 2010, năm 2011, câu chuyện về Ngày tận thế không bao giờ hết hot trong các cuộc trò chuyện. Đầu năm 2012, thế giới nhắc nhiều đến ngày Trái Đất bị diệt vong và đến tháng 12, chủ đề này trở nên nóng hơn bao giờ hết.


Người dùng mạng xã hội không ngừng nói về Ngày tận thế, người tin, người không tin nhưng chắc chắn trên thế giới, ai ai cũng đang nín thở chờ đón ngày 21 tháng 12 năm 2012.


Dù NASA đã khẳng định sẽ không có ngày tận thế bằng việc thực hiện clip “The world didn’t end yesterday” (tạm dịch Thế giới không bị diệt vong ngày hôm qua) sẽ đượcphát vào ngày 22 – 1 ngày sau ngày tận thế. Thế nhưng clip này lại được phát sóng sớm vào ngày 14/12, riêng điều này thôi cũng khiến nhiều cư dân mạng lo lắng “Tại sao NASA lại phát sớm vậy, tên của clip cũng như lịch phát sóng vào ngày 22 mà?”

Đối với nhiều người, Ngày tận thế là cụm từ nhắc nhở họ về sự tha thứ trong cuộc sống, thù hận không có ý nghĩa gì vì cuộc sống vốn ngắn ngủi. Thái độ sống quyết định ngày tận thế của mỗi người.
Theo Kênh 14

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét