Trong bối cảnh kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi tích cực, thì mọi lĩnh vực đều có những lời lẽ phân bua nghe chừng hữu lý cho sự manh mún và rời rạc. Văn hóa cũng bị chi phối bởi tài chính, nhưng sự hụt hẫng thẩm mĩ hoặc sự bấn loạn giá trị không thể đổ lỗi cho sự túng thiếu áo cơm. Quá trình hội nhập đặt ra nhiều thách thức, mà bức tranh văn hóa đã thấy nhuốm màu ái ngại và âu lo.
Văn hóa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 mang yếu tố tương tác cộng đồng. Văn hóa đại chúng được hình thành bởi đám đông và bị quyết định bởi đám đông. Truyền hình và internet không thể thoái thác sứ mệnh dẫn dắt thị hiếu công chúng. Thế nhưng, những chương trình tương tác xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh nhỏ chỉ cổ súy cho giới trẻ hát ca nhảy múa như "Vietnam Idol", "Giọng hát Việt", "Bước nhảy Hoàn Vũ", "Cặp đôi hoàn hảo", "Thử thách cùng bước nhảy"...
Đáng nghĩ hơn, những trò chơi kích cầu "từ vô danh trở thành người hùng" ấy có phải do chúng ta sáng tạo ra đâu, chúng ta mua bản quyền, chúng ta bắt chước thiên hạ và dĩ nhiên bộc lộ sự lúng túng của những kẻ nghiệp dư ở cả ban giám khảo lẫn thí sinh.
Sân khấu của "Giọng hát Việt"Không hẳn cực đoan cũng không hề bi quan, nhưng thử hỏi vì sao những chương trình tung hô thần tượng được Việt hóa một cách ồn ào kia sau vài phút giây hoan hỉ thì lập tức những ai biết băn khoăn cho tương lai phải chột dạ? Những game show ăn khách nhất thế giới đầu xuất phát từ những nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Những nhà truyền hình Mỹ đâu phải thiếu đắn đo khi theo đuổi những giá trị ảo như vậy?
Có hai nguyên nhân để truyền hình Mỹ sáng tạo ra những tiết mục thư giãn và được khán giả hưởng ứng. Thứ nhất, nước Mỹ đã công nghiệp hóa toàn bộ qui trình sản xuất và cần làm giảm sức ép từ sự ngột ngạt của nhịp sống hiện đại. Thứ hai, những kiến thức về hướng nghiệp và kỹ năng sống đã được trang bị đầy đủ cho thanh niên.
Khi đặt vào bối cảnh Việt Nam, cả hai yếu tố này đều không thể so sánh, khán giả Việt Nam phần lớn vẫn còn căn cốt nông dân, thanh niên Việt Nam chơi vơi trước ngưỡng cửa cuộc đời mà ngay cả luật giao thông cũng nắm bắt mơ hồ. Cho nên, nhắm mắt chạy theo giá trị Mỹ để phủ sóng truyền hình Việt Nam là một điều cần cân nhắc một cách nghiêm túc hơn. Không thể đặt lợi ích của một nhóm người nào đó lên vị trí độc tôn. Biên bản thỏa thuận phát sóng các chương trình giải trí mua bản quyền nước ngoài, không thể chỉ là cam kết giữa đài truyền hình và các Cty tổ chức sự kiện hoặc đơn vị quảng cáo, mà phải tính thêm vào cái được cái mất của cả cộng đồng.
Mặt khác, những kênh truyền hình được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người dân không thể dễ dãi ưu tiên "giờ vàng" cho những chương trình giải trí nửa Tây nửa ta. Không ai cấm cản, nhưng muốn phát sóng hãy đưa lên những kênh đã được xã hội hóa. Bởi lẽ, những kênh truyền hình nhiều người xem và nhiều người kỳ vọng đang từng ngày động viên sức sống Việt và tinh thần Việt như VTV1, VTV3 của Đài Truyền hình VN hoặc HTV7, HTV9 của Đài Truyền hình TPHCM nếu tiếp tục hào hứng với hí trường lộng lẫy son phấn và nức nở hò reo ấy sẽ đồng nghĩa với thái độ xem thường tiền đóng thuế của người dân!
Đặc trưng của văn hóa đại chúng là kiến thiết thần tượng một cách nhanh chóng. Thần tượng được suy tôn từ đám đông và thần tượng quay lại chi phối đám đông. Càng đẩy nhanh tốc độ phủ sóng thần tượng càng tạo ra hiệu ứng hả hê và màu sắc lâm ly. Dăm ba bạn trẻ òa khóc khi trông thấy thần tượng sau cả đêm chen lấn chờ đón hoặc kinh khủng hơn là có bạn trẻ manh động... hôn cái ghế thần tượng vừa ngồi, đều là những tình huống đã được lập trình sẵn của màn kịch mùi mẫn chứng minh sức mạnh thần tượng đối với cảm xúc công chúng.
Những nhà nghiên cứu xã hội Việt Nam dường như vẫn thờ ơ trước hiện tượng này mà chưa có những điều tra và những đánh giá thấu đáo. Ở đây cần nhìn nhận thần tượng dưới hai góc độ: thần tượng thanh danh và thần tượng động cơ.
Bất kỳ người nổi tiếng ở ngành nghề nào cũng trở thành thần tượng thanh danh trong mắt giới trẻ, nhưng chỉ là rung động chốc lát. Giới trẻ lấy thước đo vật chất để tìm đến thần tượng động cơ. Trong thời đại lên ngôi của đồng tiền, không có người lỗi lạc nào có hoàn cảnh nghèo túng mà được giới trẻ lấy làm thần tượng. Giới trẻ cuồng mộ thần tượng để mong muốn mãnh liệt có được cuộc sống sung túc như họ, hoặc lấy cuộc sống giàu sang của họ mà mơ ước âm thầm cho riêng mình.
Hiện nay, doanh nhân là đối tượng dễ bước lên vị trí thần tượng nhất, nhưng phía sau hai chữ "đại gia" của chúng ta có quá nhiều ẩn số. Tuy những đại gia được gọi là tỷ phú ở Việt Nam rất nhiều, nhưng vẫn chưa có ai dám công khai viết sách hoặc kể lại trên truyền thông rằng bản thân đã làm giàu bằng cách nào, kiếm được hàng triệu USD bằng cách nào. Do tồn tại không ít góc khuất, nên đội ngũ đại gia nước ta vẫn chưa chiếm lĩnh được thứ hạng cao trên nấc thang thần tượng.
Nếu những nhà khoa học hoặc những vị tiến sĩ ở Việt Nam có những bằng sáng chế đẳng cấp quốc tế và có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ thành quả sáng tạo của họ, thì còn lâu các ca sĩ thị trường mới được làm thần tượng ngất ngưởng. Hãy phản biện để làm sáng tỏ vấn đề, nếu Đàm Vĩnh Hưng hay Mỹ Tâm đi hát bằng xe đạp thì có ai thần tượng không? Chắc chắn không!
Trí khôn của người Việt Nam đã bước qua cơn ngái ngủ từ lâu lắm rồi. Sự thực dụng được huy động triệt để trong cuộc tìm kiếm thần tượng. Vì sao một nghệ sĩ dương cầm tài ba hoặc một nghệ sĩ thổi sáo cự phách ít được thần tượng? Rất đơn giản, vì họ thu nhập thấp! Giới trẻ hâm mộ ca sĩ ngôi sao, vì ngoài hào quang trên sân khấu, họ có xe hơi đắt tiền, họ có biệt thự lộng lẫy.
Vòng xoáy danh lợi từng ngày từng giờ đẩy đời sống văn hóa Việt Nam vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Phải có tiền tỉ mới mong nổi tiếng trong giới showbiz. Nếu không có tiền to thì đành chơi thủ đoạn nhỏ. Để đánh động dư luận, nghệ sĩ tìm cách gây sốc. Hạ sách là... lộ hàng, nam lộ hàng kiểu nam, nữ lộ hàng kiểu nữ, vô tình thì tuột áo trên sàn diễn, cố tình thì khỏa thân nhân danh bảo vệ môi trường, không rõ vô hình hay cố tình thì... gửi nhầm ảnh nóng đến các trang báo mạng. Thượng sách là úp mở những chuyện nửa hư nửa thực, không phải ngẫu nhiên trước khi bấm máy bộ phim mới thì đạo diễn A bỗng dưng mất trộm, không phải ngẫu nhiên trước khi phát hành album mới thì ca sĩ C bị tố cáo phụ tình hoặc dính nghi án đánh ghen.
Tuy nhiên, những chiêu trò kia chỉ dành cho nghệ sĩ ít tiền, còn nghệ sĩ đã có chút ít của cải thì phải khoe khoang. Đầu tiên là khoe phương tiện, nếu người mẫu T khoe xe Audi giá 4 tỉ thì ca sĩ P khoe xe Mercedec giá 6 tỉ, nếu ca sĩ M khoe căn hộ siêu cấp thì diễn viên D phải khoe du thuyền siêu đẳng. Tiếp đến là khoe... mối quan hệ. Chẳng lẽ ngôi sao lại thân thiết với anh sinh viên ốm yếu hoặc bà bán chuối chiên bần hàn! Nếu diễn viên điện ảnh L khoe có mẹ nuôi triệu phú ở Hồng Kong, thì ca sĩ V cũng đăng đàn khoe có anh nuôi triệu phú ở Canada. Tóm lại, tất cả các loại cha nuôi lẫn chị nuôi đều được trưng dụng như những kim bài lấp lánh!
Khi cuộc khoe khoang giàu sang lất át cuộc phô diễn tài năng, thì chất lượng nghệ thuật tiếp tục trượt dài. Cứ nhìn vào những bài hát đang ăn khách được tải về làm nhạc chuông thì rõ ràng thôi. Sự ngây ngô này được thay thế bằng sự ngớ ngẩn khác. Trước đây lảnh lót "anh chàng đẹp trai ngồi trong quán uống ly cà phê, thấy một cô bé thật xinh bước qua thật nhanh" thì hôm nay rên rỉ: "Bạc trắng như vôi tình đời, màu đen cho cuộc tình hồng". Trước đây ngao ngán "con gái bây giờ quá thờ ơ, con gái bây giờ hay giả vờ" thì hôm nay sỗ sàng "anh ghét em xa hoa, ghét em sống sa đọa, ghét em tính chảnh chọe, một tâm hồn nhỏ bé".
Muốn bớt cỏ dại, chỉ có cách chăm chút hoa thơm. Nguyên lý ấy khi nào được thực hiện thì chưa biết, nhưng các loại giải thưởng và danh hiệu đang ngày càng khiến những nghệ sĩ tâm huyết ngao ngán. Thật đáng giật mình, khi tại một cuộc hội thảo, nhiều nghệ sĩ đau đớn kêu ca phải mất hàng chục năm để làm hồ sơ xin phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú mà vài nhà quản lý văn hóa tham dự vẫn dửng dưng không phản ứng gì, cứ như "chuyện thường ngày ở huyện"! Tất cả chỉ tại ông Nguyễn Trãi viết "hoa thường hay héo, cỏ thường tươi" mà người Việt thế kỷ 21 ngẫm nghĩ thêm đau lòng!
Sài Gòn, xuân 2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét