Nhạc Việt 2012 - "Thùng rác" trong cảnh "chợ chiều"

"Chợ chiều xế bóng"

Nhiều bon chen, nhiều thủ tục, nhưng khi những cuộc cạnh tranh vô vị đã không mang được lại kết quả, rất nhiều ca sĩ Việt đã tự “chìm” xuống để tìm cho mình những điểm dừng thực chất và “nhân văn” hơn trong mắt khán giả. Một cách tự nhiên, tình hình chung của một năm kinh tế khó khăn làm vấn đề “gạo tiền” nổi dậy chèn ép tư tưởng giải trí tinh thần xếp sau. Mua đĩa, tất nhiên sau đĩa lậu là thời huy hoàng của nhạc số “lậu”, không ca sĩ nào thèm ra đĩa nữa vì “một vốn nửa lời”. Liveshow cũng là cuộc chạy đua chìm nghỉm không đợi ngày vỗ cánh.

Hồng Nhung khóc nhiều lần trong các chương trình gần đây

Sau hàng loạt những “cơn sốt” trở về Việt Nam như quay về miền đất hứa của hàng loạt những tên tuổi như Chế Linh, Tuấn Vũ, khán giả cũng đã đủ mãn nhãn và cũng đã… hết tiền. Rõ ràng, nếu so với mặt bằng đời sống được đem ra đo đếm một cách kinh tế định lượng, số tiền 4 đến 5 triệu cho một cặp vé của các chương trình với mật độ 1 tháng một lần là sự quá sức đầy đáng thương.

Chế Linh là ngôi sao được mong đợi nhất từ hải ngoại, livehshow của ông cũng có thể được coi là tử tế trong năm 2012 vừa qua và thu hút lượng khán giả tò mò khổng lồ tới khán phòng của Trung tâm hội nghị Quốc gia, nhưng nếu điều đó lặp lại, thì không gian nhỏ hơn tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô cũng có thể là quá thừa thãi.

Cách đây chưa đầy 1 tháng, liveshow Thanh Tuyền đầu tiên tại Hà Nội cũng vấp phải tảng đá lớn về vé và rơi vào tình trạng lao đao không lối thoát. Nếu như nói về yếu tố dàn dựng, ca sĩ dở, không danh tiếng là một nhẽ, nhưng những điều xứng đáng nên đến với giọng ca Thanh Tuyền, vì riêng việc quay trở về cùng một vài ngôi sao hải ngoại đã là sự cố gắng của cả ekip, cũng với mục đích sâu sắc hơn là làm sôi động thị trường “xô chậu” cuối năm sau bẵng đi 3 tháng ảm đạm.

Liveshow Chế Linh thắng lớn nhưng chỉ 1 là đủ

Những thứ tương tự thế này vẫn nhan nhản

Nếu so sánh thời điểm giữa năm và cuối năm, mọi thứ có thể coi như những cuộc lật ngược thú vị, một show được cho là “tồi tàn” như Trịnh Nam Sơn bỗng nhiên thắng, và lại là chiến thắng vẻ vang cuối cùng của giới làm show miền Bắc. Phía còn lại, thị trường miền Nam vẫn luôn bị đánh giá là "thiếu muối" trong cả cách làm show và xem show.

Những chương trình với mức giá “bình dân” làm ăn một cách hên xui và đều đặn, trong khi đó những show lớn đều "ngã ngựa" vì đơn giản, khán giả Sài Gòn không có nhu cầu xem những show được gắn mác tử tế và không có trưng trổ hình ảnh. Thanh Lam tự tin và giờ cũng không thấy bóng dáng chị quay lại Sài Gòn, Tùng Dương sẽ không làm “Tùng Dương hát tình ca” một cách tự tin đến vậy nếu như không có mạnh thường quân “chống đẩy” phía sau.

Và sau cùng, show diễn nhạc Trịnh với các tên tuổi hát live xuất sắc nhất hiện nay như Tuấn Ngọc, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, cũng đã không thể làm ấm áp thêm không khí tại Sài Gòn với tình trạng đìu hiu.

Bằng Kiều khôn ngoan khi thỉnh thoảng về 1 lần


Khán giả chỉ bỏ tiền khi chương trình có ngôi sao

Có thể, sau một chu kì vòng quay, những gì các show diễn dựng lại được vẫn chỉ là “bình cũ rượu mới” khi con bài chủ chốt vẫn là số ít ca sĩ trẻ thành công đương đại và những thần tượng dĩ vãng bao gồm ngôi sao từ hải ngoại và bộ tứ diva trong nước. Khán giả có tuổi đã vượt quá “quota” của họ cho số lượng show kỉ lục trong một năm, và đối tượng khán giả trẻ phổ biến lại tỏ ra khó khăn với số tiền quá lớn để được ngồi vào những chiếc ghế đẹp đẽ và ngắm nhìn ca sĩ họ yêu thích.

Thị trường không phải "thùng rác"

Cuộc tràn sân của hàng loạt các chương trình âm nhạc vô tình biến thị trường thành một “thùng rác” nhiều mùi. Chuyện nổi hay “xịt” vẫn chỉ là vấn đề hên xui và tự động “kích cầu” của bản thân mỗi cá nhân muốn đi hát. Chương trình thực tế, thi thố chỉ là để giải trí và không có trách nhiệm giải quyết hậu quả. Những giọng ca đã từng nổi tiếng sau Vietnam’s Got Talent giờ đang ở đâu, hay đang “vật vờ” ngồi chờ diễn ở những hội chợ hay chương trình nhan nhản ở các tỉnh. Đồ Rê Mí, chương trình nhận được kết quả tìm kiếm nhiều nhất trên các trang tìm kiếm, chứng tỏ có khối lượng khán giả quan tâm khổng lồ, cũng chẳng bao giờ có động thái “hậu vinh quang”, mà chỉ biến các “giải nhất, giải nhì” thành những “ngôi sao thảm hại” khi các em không được kiểm soát và luôn trong tình trạng tự sướng ảo về danh tiếng của mình trong đời sống thật.

Đây được coi là một hiện tượng của nhạc Việt trong năm nay

Các HLV cũng rất chịu khó "biến hình"

The Voice đang ở thế thượng phong, tạm thời là như vậy, nếu như nhìn vào số tiền quảng cáo hàng trăm triệu cho một “đúp” 10 giây trong chương trình. Thế nhưng kết quả sẽ dừng lại ở đâu. Có một số ý kiến cho rằng, bản thân việc sinh ra của The Voice đã là lỗi lầm của nhà sản xuất cũng có nhiều yếu tố chính xác.

Trước tiên, làn sóng giải trí đang lên, khiến những giọng hát hay nhưng không có tố chất cuốn hút buộc phải "nằm nhà đóng cửa". Và bản thân các HLV cũng luôn có xu hướng chọn lựa thí sinh trên nền yếu tố mắt nhìn (chỉ tính sau vòng Giấu mặt). Vậy là cả tính chất hành trình, và kết quả của The Voice đều đang bị “lủng củng”. Không phải chỉ ở riêng Việt Nam, số lượng đĩa bán của các quán quân The Voice tại Mỹ, Anh, Hàn cũng chỉ nằm ở mức chấp nhận được hậu cuộc thi và đuối dần đều. Đấy là đang nói đến những quốc gia nghe nhạc bằng tai văn minh hơn rất nhiều so với thực tế nghe nhạc bằng mắt ở Việt Nam.

Vietnam Idol 2012 cũng là một mùa "thất bát" và thiếu màu sắc

Những cuộc cạnh tranh “dã man” sẽ xảy ra trong năm 2013 khi bây giờ, tâm lí thí sinh cứ đi thi là sống chết phải ra sản phẩm, những cái tên đảm bảo khán giả không một lần nhớ nổi sau The Voice hay Vietnam Idol cũng sẵn sàng “tra tấn” công chúng bằng những sản phẩm vội vàng, hời hợt, thiếu thẩm mỹ. Ngay cả các HLV cũng phải “vịn” nhiều vào danh tiếng The Voice cho những cuộc chạy show rầm rộ và cuối năm, mà quên mất cả bon chen hay “làm hàng” lẫn nhau. Tự nhiên người ta thấy Phương Thanh, Mr. Đàm làm hòa (sau khi chẳng còn "tiết mục" gì khác), hay Mr. Đàm hát lại bản hit của Thanh Lam (sau khi đã có bài diễn văn từ mặt thần tượng của anh). Khi gồng không nổi, nghệ sĩ và rộng hơn, cả các chương trình cũng muốn đeo một chiếc mặt nạ tử tế có thời hạn. Ngẫu nhiên, lỗi sẽ không phải ở người thể hiện, lỗi là ở thời cuộc, thời thế.


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét