“Rong chơi” cùng ca nhạc truyền hình

Các chương trình hoạt động rộn ràng, tấp nập và có thời điểm nó trở thành “sốt”. Ngoài lợi nhuận to lớn mang lại cho nhà sản xuất, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nhìn lại những được, mất đối với khán giả, nghệ sĩ và đời sống âm nhạc…

Xu hướng chạy đua chương trình “hot”

Khi Sao Mai - Điểm hẹn ra đời năm 2004, nó đã thành công vang dội ngay mùa đầu tiên với kịch bản “học hỏi” từ Pop Idol. Có thể nói, Sao Mai - Điểm hẹn được xem như một làn gió mới cho các cuộc thi hát truyền hình đã có trước đó. 2 năm sau, HTV “cải tiến” chương trình Tiếng hát truyền hình gần như đã trở thành “truyền thống” bằng fomat Super Star mua của nước ngoài để có cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình. Tuy nhiên cuộc thi này vẫn không vượt qua được sự hấp dẫn của Sao Mai - Điểm hẹn . Năm 2007, Vietnam Idol có mặt tại Việt Nam, sự hấp dẫn và tiếng vang trên công luận còn vượt xa Sao Mai - Điểm hẹn.

Bước ngoặt đáng nói trong các chương trình giải trí nói chung và ca nhạc giải trí nói riêng có thể kể từ lúc Công ty Cát Tiên Sa hợp tác “đậm đà” với VTV mà khởi đầu là 2 chương trình Bước nhảy hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo (2010). Sự thành công của hai chương trình này có lẽ là động lực để Cát Tiên Sa tiếp tục mua những kịch bản chương trình giải trí “khủng” của nước ngoài.

Một tiết mục của Tiêu Châu Như Quỳnh trong Giọng hát Việt

Trong bối cảnh năm 2012, trên VTV và HTV tiến hành một số chương trình mới hoặc chương trình đã có từ các năm trước như đã nói trên, thì The Voice (Giọng hát Việt) xuất hiện như một “quả bom tấn” giữa thị trường ca nhạc truyền hình đang rất tấp nập. Chưa kể là X-Factor - một chương trình hứa hẹn là “ít lắm cũng như The Voice ” mà Cát Tiên Sa đã mua sẵn và dự kiến sẽ lên sóng trong năm 2013.

Có thể thấy, việc kinh doanh với các chương trình truyền hình giải trí, thành bại phụ thuộc rất lớn vào kịch bản chương trình. Nhưng với các kịch bản từ nước ngoài thì chủ nhân chỉ nhượng quyền cho một nhà sản xuất tại mỗi quốc gia. Vì vậy, nhà sản xuất nào nhanh tay mua được chương trình mới nhất, “hot” nhất, được xem như nắm chắc phần thắng. Sự “lép vế” của chương trình Hợp ca tranh tài và Ngôi nhà âm nhạc trước một vài chương trình cùng thời điểm hoặc cảm giác “cũ kỹ” của Vietnam Idol so với Giọng hát Việt là những ví dụ điển hình.

Có thể nói, muốn thành công với ca nhạc truyền hình giải trí thì phải chịu khó “canh me”, thế giới có chương trình nào “hot” nhất thì hãy nhanh tay chớp lấy. Miễn là chịu chi bằng ngoại tệ, có kịch bản lên tới cả triệu USD.

Trong cuộc “chạy đua” này, cũng có đơn vị thoái lui, bởi giữ nguyên “truyền thống” có khi còn hơn kịch bản mới nhưng không hiệu quả. Trường hợp này có thể kể đến việc bỏ kịch bản Super Star của Ngôi sao Tiếng hát truyền hình để trở lại với chương trình nguyên thủy Tiếng hát truyền hình (HTV). Việc cuộc thi này không cho thí sinh hát nhạc ngoại, phải chăng là một sự cảnh tỉnh đối với một số chương trình mà thí sinh đang sa đà vào những bản nhạc ngoại quốc, nhưng hát thì “Tây” cũng phải bỏ chạy…

Sự “tiến bộ” của những kịch bản

Nhìn vào các chương trình ca nhạc giải trí xuất hiện tại Việt Nam, có thể thấy, mỗi chương trình đều có những đóng góp tích cực để tăng tính hấp dẫn cho người xem, tăng tính “đẳng cấp” của nhu cầu giải trí và nhất là sự hiệu quả của công nghệ lăng-xê.

Nếu những cuộc thi hát trước đây, sau khi thí sinh trình bày xong bài hát họ sẽ chào khán giả và rút lui, giám khảo âm thầm chấm điểm, thì với những chương trình về sau, thí sinh sẽ lưu lại trên sân khấu trong lúc giám khảo nhận xét, cùng với việc xuất hiện rất nhiều lần trên sân khấu trong vòng chung kết, rồi còn clip khá dài giới thiệu thí sinh. Vì vậy, hình ảnh, tên tuổi của thí sinh in khá đậm trong tâm trí khán giả. Chưa kể là các thí sinh được tâng bốc, khen ngợi nhiều lần hoặc có một điểm nhấn nào đó (thậm chí là một scandal) thì khán giả không bao giờ quên tên của họ. Đồng Lan, Thái Trinh, Tiêu Châu Như Quỳnh không xa lạ với khán giả xem đài, nhưng tại Giọng hát Việt họ “tỏa sáng” là cũng nhờ vào yếu tố lăng-xê của chương trình.

Ba giám khảo của Vietnam Idol

Nếu Vietnam Idol mang lại một hình thức thi thố mới mẻ, hấp dẫn thì Vietnam’s Got Talent (một cuộc thi tìm kiếm tài năng, trong đó có âm nhạc) mang đến một sân chơi cởi mở, tự do. Giọng hát Việt thì hoành tráng, hiện đại và nhiều hấp dẫn hơn…

Nhưng điểm đáng nói nhất là tính tích cực xét ở khía cạnh nghệ thuật. Hợp ca tranh tài đưa yếu tố “hợp ca” với việc thể hiện nhiều bè trong một tác phẩm, nó có “hơi hướm” của hàn lâm “đẳng cấp” đem đến cho người nghe. Giọng hát Việt chú ý đặc biệt vào chất lượng giọng hát, đưa yếu tố “nghe” lên hàng đầu, đó cũng là trào lưu “nghe nhạc đích thực” mà khá nhiều nghệ sĩ đang cố gắng thực hiện các chương trình (như Không gian âm nhạc, Tiêu điểm âm nhạc, Âm nhạc trên tầng cao, Cửa sổ âm nhạc ) để “chống chọi” với yếu tố “nhìn” đang hoành hành. Điểm thể hiện yếu tố tích cực này rõ nhất là ở Vòng Giấu mặt, khi huấn luyện viên quay lưng lại với thí sinh để chỉ nghe vẻ đẹp của giọng hát. Hoặc chương trình Ngôi nhà âm nhạc , đòi hỏi thí sinh xuất sắc cả 2 khía cạnh giọng hát và vũ đạo.

Tuy nhiên, việc thực hiện để đạt được những yếu tố tích cực nêu trên trong các chương trình thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giám khảo (hoặc huấn luyện viên) chủ yếu thể hiện để góp vào sự hấp dẫn, còn lại đa số là tùy vào khả năng của thí sinh.

Có thể nói, yếu tố nhiều bè trong Hợp ca tranh tài , hát - múa “song toàn” trong Ngôi nhà âm nhạc hoặc vẻ đẹp của giọng hát trong Giọng hát Việt là điều “lực bất tòng tâm” trong bối cảnh như hiện nay.

Giám khảo, thí sinh, khán giả và những được - mất

Giám khảo ngoài tiền cát-sê khá hậu hĩnh, thì hình ảnh và tên tuổi xuất hiện thường xuyên trên báo chí, nhất là truyền hình, đó là việc hâm nóng tên tuổi miễn phí nhưng có tác động rộng lớn trong công chúng. Với những chương trình “hot” như Giọng hát Việt hoặc Vietnam Idol, là cơ hội để họ thể hiện bản lĩnh của mình dưới mắt hàng triệu khán giả xem đài để họ có thể được công nhận thêm một “đẳng cấp”. Trường hợp như huấn luyện viên Trần Lập, trước đây anh chủ yếu được cộng đồng rock biết đến, nay thì khán giả cả nước đều biết. Điều mà không có Giọng hát Việt có lẽ không bao giờ Trần Lập có được.

Nhưng điều này cũng như con dao 2 lưỡi, nếu họ ăn nói nhạt nhẽo, vô duyên hoặc không thể hiện được bản lĩnh chuyên môn thì tác dụng sẽ ngược lại.

Ngoài ra đối với những giám khảo là ca sĩ, nhạc sĩ có một công ty giải trí, việc theo sát, gắn bó với thí sinh, để có thể hiểu đường tơ kẽ tóc về khả năng ca hát, tính tình… của thí sinh nhằm tìm “gà” cho công ty mình thì đây quả là “nhất cử lưỡng tiện” vừa có tiền - có tiếng và có cả “gà”.

Tuy nhiên cái giá phải trả của họ trước hết là “thời gian”. Nếu nói “thời gian là vàng ngọc” thì họ mất rất nhiều “vàng ngọc” bởi có cuộc thi kéo dài hơn 6 tháng. Điều đáng nói hơn là thời gian khá dài không thể tập trung vào chuyên môn, chắc chắc sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến “mạch sáng tạo” của họ. Sau khi chấm dứt chương trình, họ phải mất thêm một thời gian để bắt nhịp lại với công việc chuyên môn của mình.

Chưa kể là nếu sơ sẩy một chút họ có thể trả một giá rất đắt. Năm 2012, chưa có một huấn luyện viên, giám khảo nào phải “bỏ của chạy lấy người”, nhưng ngồi trên ghế nóng mà không biết tai họa ập đến lúc nào.

Với thí sinh, có lẽ là không mất gì cả, tuy thời gian phải dành cho cuộc thi khá nhiều, nhưng đó cũng là thời gian rèn luyện, trải nghiệm trong môi trường rất thiết thực cho bản thân. Cái được lớn nhất của thí sinh cũng có điểm tương đồng với giám khảo - được lăng-xê miễn phí trong một “công nghệ” rất hiệu quả.

Ngoài việc lăng-xê của chương trình, sự gắn bó với những sao “hot” vào bậc nhất của thị trường âm nhạc như ở chương trình Giọng hát Việt , họ còn hưởng thêm nhiều “đặc ân” khác. Từ sự có mặt của các “sao” này trong những buổi ra mắt single, cho đến việc “núp bóng” các sao để có thể biểu diễn ở các phòng trà, các show sự kiện. Có huấn luyện viên như Đàm Vĩnh Hưng còn dắt 11 học trò của mình đi diễn chung khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc - điều mà trước đây họ nằm mơ cũng không thấy.

Còn khán giả thì sao? Họ có cơ hội thưởng thức rất nhiều chương trình giải trí hấp dẫn trên TV vào dịp cuối tuần với đầu đủ các gương mặt đình đám của showbiz. Tuy nhiên, khán giả “mất” nhiều cái mà họ không biết. Đầu tiên là việc “được” làm quen “sống chung với quảng cáo”, chương trình ngắt quảng rất nhiều lần nhưng giờ đây chẳng ai phàn nàn. Sự hứng khởi của họ đã “bão hòa” với quảng cáo.

Kế đến là khán giả bị nhiễu loạn thông tin, không biết đâu là thật, giả. Bởi các giám khảo, huấn luyện viên bao giờ cũng khen thí sinh “tuyệt vời”, “tài năng hiếm có”, “không còn gì để nói”, “khâm phục”… có thí sinh còn được ví với các sao nổi tiếng trong nước hoặc thế giới. Những lời “có cánh” của giám khảo đã góp phần làm cho khán giả có những nhìn nhận lệch về thẩm mỹ.

Sự phát triển thái quá của các chương trình giải truyền hình được mệnh danh là tìm kiếm tài năng làm cho khán giả không có nhìn nhận đúng về tài năng nghệ thuật đang có của xã hội, chương trình giải trí bao trùm và khán giả gần như không biết đến các nghệ thuật khác ngoài ca hát kiểu thị trường.

Các chương trình tuyền hình ca nhạc gần như huy động toàn bộ những nghệ sĩ hàng đầu của thị trường vào các vị trí giám khảo, giám đốc (chuyên gia) âm nhạc trong một thời gian dài. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thiếu vắng những sản phẩm âm nhạc “đỉnh cao” được đầu tư “tử tế” của đa số lực lượng này, mà lẽ ra họ sẽ cung cấp cho thị trường và người trực tiếp hưởng thụ là khán giả.

Xem ra ngoài việc được xem những chương trình hấp dẫn, khán giả cũng mất khá nhiều…

Hiện nay, các chương trình ca nhạc giải trí trên truyền hình ngoài việc đem đến sự hấp dẫn cho khán giả, chúng chưa thật sự phát huy hết những mặt tích cực của chương trình. Giám khảo chưa thật sự là tiếng nói thẩm định khách quan nhằm giúp công chúng định hướng thẩm mỹ. Các chương trình vẫn còn những scandal góp phần làm cho sinh hoạt âm nhạc xã hội thêm phần bát nháo.


Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét