N trong 1…
Những ai từng ngồi trong sân khấu xem live show Số phận (kỷ niệm 15 năm ca hát) của Mr Đàm , mới nhận ra được tham vọng của một “Ông Hoàng nhạc Việt”, khi có thể hát và trình diễn gần như đầy đủ mọi thể loại từ thính phòng, pop, rock, dân ca đến cải lương…, từ sang đến "sến" đều đủ cả. Khi mà khán giả không còn thích đến sân khấu âm nhạc chỉ để ăn đúng một món, thì Mr Đàm từ lâu đã biết cách dọn một đại tiệc ê hề để chiều chuộng khán giả mọi thành phần, mọi thị hiếu. Song sức người có hạn, sự sáng tạo cũng vậy (với một êkip đi cùng bao nhiêu năm)…, sau bao nhiêu live show, bao nhiêu đêm Dạ tiệc trắng… khán giả gần như có thể hiểu được, live show Số phận của Mr Đàm như một nỗ lực cuối cùng để chứng tỏ “một mình làm nên tất cả”, tiếc là cũng đã đến lúc thể hiện rõ sự bất lực trước con đường nghệ thuật đầy thử thách kia. Không còn mới mẻ, không còn nhiều sáng tạo trong giọng hát và cách chọn bài…Mr Đàm buột phải dùng sự hoành tráng của sân khấu, trang phục và cả những chiêu trò để khóa lấp sự “trống vắng quan trọng nhất” của một ca sĩ.
Cùng với đó, trong kế hoạch thay đổi việc nhận diện thương hiệu, Mr Đàm từ vị trí thí sinh của show truyền hình thực tế Cặp đôi hoàn hảo, đã trở thành một huấn luyện viên (HLV) của show truyền hình Giọng hát Việt- The Voice. Khái niệm tiền catxe có thể không nhiều, nhưng show truyền hình đó phải thật sự hot với khán giả, chính là tiêu chí để Mr Đàm và các HLV kia chọn tham gia. Và cũng bởi cái yếu tố “cần hot” kia mới phát sinh chuyện giám đốc âm nhạc của show là Phương Uyên “dính” scandal thao túng hậu trường Giọng hát Việt. Để rồi trong buổi họp báo trần tình của BTC Giọng hát Việt, Mr Đàm đã tự tin đến mức giữa những bực bội của cánh phóng viên đi tìm chân tướng sự thật của vụ việc, anh lên tiếng rằng: "Tóm lại các phóng viên muốn gì thì cứ nói thẳng?". Sự khôn ngoan, chân tình với phóng viên mà Mr Đàm đã tạo ra bấy lâu, bỗng chốc tan biến. Vì một câu nói mà thành ra như một “gáo nước lạnh” dội thẳng vào lòng tự trọng của các phóng viên. Ở khoảnh khắc đó, cảm xúc đã lấn át mất cái lý trí rất bản lĩnh mà Mr Đàm đã nuôi dưỡng trong mình bao năm nay.
Đàm Vĩnh Hưng- HLV The Voice.
Và đỉnh điểm nhất, chính là màn “khóa môi với nhà sư” trong một buổi đấu giá để quyên góp tiền cho một đồng nghiệp đang mắc bệnh hiểm nghèo vừa diễn ra cách đây không lâu. Không gian, con người, và cả sự phấn khích tột cùng trong một đêm diễn cần sự chung tay góp sức, đã khiến Mr Đàm “tự sướng” bằng một phút giây ngắn ngủi, nhưng tạo ra cả một cơn địa chấn khủng khiếp nhất trong lịch sử showbiz Việt về tư cách, đức tin… của nghệ sĩ, nhà sư lẫn công chúng khắp mọi nơi. Những chuyện như viết tâm thư, rồi lại đôi co về chuyện “lỗi tại mình hay tại nhà sư…”, chỉ là một sự khỏa lấp muộn màng cho một khoảnh khắc cay đắng không thể cứu vãn.
Ước gì thời gian quay trở lại, có lẽ là ước mơ lớn nhất của Mr Đàm sau “màn khóa môi” ấy. Một trăm cái đúng đã không thể cứu lại được một cái sai, mà đau đớn nhất là, cái sai ấy không thuộc về chuyện môn giọng hát, trang phục hay phần trình diễn của một ca sĩ, một “Ông Hoàng nhạc Việt”.
Đi tiếp hay dừng lại?
Việc đi tiếp hay dừng lại này không liên quan đến con đường ca hát, mà ở đây là cách cư xử của Mr Đàm trước một vấn đề khi phải đối diện nó. Chọn thái độ mạnh mẽ, tuyên chiến, không khuất phục… hay mềm mỏng, nương theo dư luận và biết nhận sai chân thành khi mình sai? Nhưng, điều nghiệt ngã của một “Ông Hoàng” là ngay cả khi biết mình sai, thì việc nhận sai đó vẫn phải giữ đúng “chuẩn mực” của một người có vị trí, là “xin lỗi nhưng vẫn ngẩng cao đầu”. Ở trên đỉnh cao, bao giờ con người ta cũng cho mình một cảm giác mình khác với người bình thường, một người hiểu nhưng cả triệu người khác không muốn (và không cần) hiểu.
Trong showbiz thế giới, có những người mà tài năng vượt lên trên tất cả, và thậm chí nó còn lấn át cả những chuyện xấu thuộc về tư cách của họ. Rất nhiều ngôi sao- theo đúng nghĩa của từ này- đã được thông cảm, bỏ qua vì tài năng của họ là thứ có một không hai. Còn Mr Đàm, anh vẫn chưa là thế, anh có thể là ngôi sao, là “Ông Hoàng nhạc Việt” của một thị trường âm nhạc khoảng 90 triệu dân, nhưng bước ra ngoài kia, cái thế giới bên ngoài với một không gian sáng tạo nghệ thuật vô cùng tận, anh cũng chỉ là hạt cát nhỏ.
Nghĩa là, hơn ai hết, chính Mr Đàm cũng biết, tài năng của anh chưa đủ để người ta quên đi những chuyện không tốt mà anh đã làm. Những fan trung thành của anh (những khán giả trẻ, những doanh nhân, những đại gia thành đạt…) có thể vẫn yêu anh, vẫn “một lòng” với anh cho dù anh đến bất cứ sân khấu nào, hát bất cứ dòng nhạc gì, mặc bất cứ bộ trang phục nào, làm bất cứ hành động gì… Nhưng từ trong thâm tâm của những fan ấy, khi họ bình tĩnh ngồi xuống, khi cho bản thân mình một phán xét công tâm nhất, họ sẽ hiểu được anh đã sai (ví dụ như chuyện “khóa môi” kia…). Chỉ là “vì yêu nên bỏ qua”, chứ không phải “vì yêu mà không thấy người kia sai”. Đoan chắc rằng anh cũng hiểu điều đó, phải vậy không?
Showbiz Việt nghiệt ngã không chỉ bởi vì sự đào thải liên tục, không chỉ bởi vì tài năng không đủ cần có thêm thủ đoạn hay chiêu trò… mà còn bởi vì người nghệ sĩ có thể cống hiến hết mình cho nghệ thuật sau bao nhiêu năm, nhưng chỉ một “phút giây bồng bột” có thể hủy hoại tất cả. Xây thì khó, chứ phá thì rất dễ, chỉ cần rút một viên gạch thì cả tòa nhà đã có thể chao đảo trước một cơn gió.
Mr Đàm đang chênh vênh trên đỉnh, và vào thời điểm này, anh đã bị rút mất đi một viên gạch dưới chân móng ngôi vị “Ông Hoàng nhạc Việt” sau tất cả những chuyện vừa xảy ra. Nhìn thấy khoảng trống ấy để tìm một viên gạch khác đắp vào, hoặc vẫn tự tin mình đủ sức chống chọi với bão táp mưa sa cho dù mất một hay 10 viên gạch đi chăng nữa, hoàn toàn là chọn lựa của anh!
Lùi một bước trời cao đất rộng, chân lý này trong Showbiz không phải ai cũng có thể nhìn ra…
Theo NCĐT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét