Nếu như chương trình: “Tìm kiếm thần tượng âm nhạc Việt Nam” (Vietnam Idol) được tiết chế với một đêm nhạc quốc tế, thì những thí sinh chọn phần dự thi bằng ca khúc tiếng Anh ở cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam ” (Vietnam’s Got Talent) lại coi việc thể hiện ca khúc tiếng Anh như một “đẳng cấp”. Có điều khiến khán giả băn khoăn, vì sao những chương trình âm nhạc được truyền hình trực tiếp ngày một Tây hóa, sử dụng các ca khúc tiếng Anh, trong khi dân số Việt Nam lại chiếm quá nửa không hiểu hết ý nghĩa cũng như giai điệu của những ca khúc được cho là “đẳng cấp” này.
Dàn hợp ca tiếng Anh gây “choáng váng” của Giọng hát Việt.
Chương trình truyền hình Tây hóa
Tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt” lần thứ nhất, ba thí sinh Võ Trọng Phúc, Vũ Đình Tri Giao, Vũ Song Vũ đã trở thành hiện tượng khi thể hiện tài năng ca hát và gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những bài hát tiếng Anh ở vòng sơ loại. Thầy giáo Võ Trọng Phúc lãng tử với ca khúc “Home”, thí sinh (TS) Vũ Đình Tri Giao thánh thót với “You raise me up” và Vũ Song Vũ khoe giọng rộng mở với “My heart will go on”. Thế nhưng, điều đáng tiếc là ở những vòng sau (trừ TS Vũ Song Vũ chuyển sang thể hiện những ca khúc bằng tiếng Việt), còn lại, các TS khác vẫn “theo đóm ăn tàn” khiến sự chờ đợi của khán giả vào họ từ hi vọng chuyển sang hụt hẫng, thất vọng.
Và khi chương trình “Giọng hát Việt” lên sóng, nhiều khán giả cứ tưởng Ban tổ chức cuộc thi là người Mỹ vì… có đến 2/3 thí sinh xuất hiện trong vòng Giấu mặt chọn ca khúc tiếng Anh để “đánh bóng” bản thân. Nhưng đến vòng Đối đầu và các vòng sau nữa, ca khúc tiếng Anh chiếm quá nửa số bài hát trong một chương trình, kể cả đêm Chung kết. Đến nỗi khán giả phải ngao ngán: “Sao chương trình Giọng hát Việt mà toàn hát tiếng Anh?”. Về sự băn khoăn này, nhạc sỹ Phương Uyên giải thích: “Các ca khúc Việt Nam chưa đủ sức để truyền tải những thông điệp của TS khi họ thăng hoa trên sân khấu. Trong khi những ca khúc nước ngoài, TS có thể “phiêu” với những khả năng và tố chất sẵn có của mình”?
Hát tiếng Anh để thể hiện “đẳng cấp”
Như để minh chứng những ca khúc tiếng Anh sẽ giúp TS bộc lộ hết khả năng của mình, chương trình “Giọng hát Việt” tích cực chọn các bài hát tiếng Anh để giúp TS “phiêu”.
Gương mặt xinh đẹp Nguyễn Hoài Bảo Anh ở vòng Giấu mặt được ví như cô ca sĩ “Taylor Swift Việt Nam” nhưng khi TS này thể hiện ca khúc nổi tiếng “Everytime” của công chúa nhạc Pop Britney Spears thì hình ảnh của Nguyễn Hoài Bảo Anh đang lung linh bỗng dưng vụt tắt. Bởi ca khúc “Everytime” quá nổi tiếng, giai điệu bài hát quá thân quen mà thế hệ trẻ Việt Nam rất yêu thích, tuy nhiên qua sự thể hiện nhạt nhẽo của Bảo Anh, đã mất nét quyến rũ của giai điệu.
Cái khủng khiếp của phần thi những ca khúc tiếng Anh trong chương trình này được thể hiện khá rõ trong vòng Đối đầu, cách phát âm tiếng Anh của một số TS làm khán giả nhìn nhau ngơ ngác vì nghĩ: “Những TS đang “phiêu” trên sân khấu kia thực ra họ chỉ hát một ca khúc nước ngoài như “trai, gái làng” hát karaoke lúc ngẫu hứng.”
Trường hợp nữa là một ca khúc quen thuộc của ABBA “Happy New Year” trên sân khấu Giọng hát việt trong đêm bán kết. Mặc dù có sự tham gia của khách mời đặc biệt là ca sĩ Dia Frampton (Á quân The Voice Mỹ) lần thứ nhất nhưng ca khúc “Happy New Year” của Top 8, 4 HLV và Dia đã đem tới chương trình một màn trình diễn không thể tệ hơn, từ giọng hát, cách phối bè cho tới phát âm tiếng Anh. 13 giọng ca, mạnh ai nấy hát, không có một chút “nhường nhịn” nhau khiến sân khấu Giọng hát Việt như một cái chợ lúc sắp tan.
Đáng tiếc nhất có lẽ là trường hợp của ca sĩ Mỹ Lệ, khách mời của chương trình “Giọng hát Việt”. Công bằng mà nói, giọng Mỹ Lệ khỏe, vang và chị hát có “chất”. Nhưng thật “thảm họa” khi chị hát... tiếng Anh. Bản ballad “I Have Nothing” của huyền thoại Whitney Houston là “quá sức” khi những đoạn lên cao, giọng ca Mỹ Lệ chới với, cộng với việc phát âm tiếng Anh không chuẩn, Mỹ Lệ vô tình “ghi điểm 0” với công chúng ở ca khúc tiếng Anh đó.
Ca sĩ khách mời Dia Frampton khi được phỏng vấn có trả lời: “Tôi nghe được những gì các bạn hát.” Thật may là cô nghe được, nhưng phần đông khán giả Việt Nam không “dịch” được ca sĩ Việt hát gì bởi phần phát âm không chuẩn chính là điểm yếu bẩm sinh của ca sĩ Việt khiến công chúng thấy ngán ngẩm.
Mỹ Lệ lộ nhược điểm phát âm tiếng Anh khi hát tại Giọng hát Việt
Nghĩ đến “lượng” mà quên “chất”
Riêng cuộc thi The Voice phiên bản Hàn Quốc, ban tổ chức Việt nếu để ý sẽ thấy tại vòng Giấu mặt có đến 99% thí sinh hát tiếng Hàn, những ca khúc thỉnh thoảng có pha thêm một câu tiếng Anh để tạo điểm nhấn hiếm hoi trong chương trình. Thí sinh tham dự The Voice Hàn có người định cư ở Mỹ, người du học ở Anh... nhưng họ đều hát tiếng mẹ đẻ.
Nếu cho rằng hát ca khúc tiếng Anh mới có cơ hội mở rộng sản phẩm âm nhạc ra quốc tế thì Gangnam style là minh chứng hùng hồn cho việc suy nghĩ này sai. Gangnam style là sản phẩm âm nhạc thành công nhất của công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cho đến thời điểm này khi gây “mưa gió” trên các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế, đạt con số hơn 1 tỷ người xem. Và tại chương trình này, ca sỹ Psy đã hát 99% bằng tiếng Hàn, chỉ có hai câu tiếng Anh rất ngắn gọn.
Tiếng Anh hàm súc, tiếng Việt của chúng ta cũng hàm ngôn. Ấy là chưa kể khả năng chơi chữ trong âm nhạc của tiếng Việt rất nghệ thuật: “Hà Nội cái gì cũng rẻ/ Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ/Chỉ có đắt nhất tình người thôi” – Ngẫu hứng phố (sáng tác Trần Tiến). Hay như Tình ca của Phạm Duy, đã gói ghém tự tình tiếng quê hương trong âm nhạc: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời”.
Chạy theo xu hướng, ham mê giải trí, thiếu cái tâm trong các cuộc thi và show truyền hình... nghĩa là chúng ta đang mắc nợ tiếng Việt, mắc nợ chính những khán giả yêu bản sắc văn hóa đất nước mình.
Nam Dương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét